Quốc tế
Cột mốc mới trong quan hệ Trung Quốc-Arab
Hoạt động ngoại giao dày đặc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục ghi dấu ấn trong tháng 12-2022 và lần này tâm điểm chú ý dồn vào chuyến thăm Saudi Arabia lần đầu tiên sau 6 năm của nhà lãnh đạo này.
Nguồn: Global Times. Đồ họa: MAI ANH |
Theo Global Times, chuyến thăm kéo dài 3 ngày là sự kiện ngoại giao lớn nhất và ở cấp cao nhất giữa Trung Quốc và thế giới Arab kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Trung Quốc- Arab, đồng thời tác động không nhỏ đến cán cân quyền lực ở Trung Đông. Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố báo cáo “Thời đại mới hợp tác Trung Quốc - Arab”; đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh là “đối tác chiến lược, người bạn chân thành”, đóng vai trò xây dựng tại Trung Đông.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 9-12 (giờ địa phương), Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự các hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với các quốc gia Arab và các nước thành viên thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực vốn đang trở nên toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực.
Trước thềm các hội nghị, ông Tập Cận Bình hội đàm song phương với lãnh đạo các nước gồm Kuwait, Ai Cập, Iraq, Sudan và Palestine. Theo các chuyên gia, các hội nghị thượng đỉnh chủ yếu thảo luận các cách thức thúc đẩy sự phát triển chung và tích hợp các chiến lược trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng với mục đích cung cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng toàn thế giới.
Các nhà ngoại giao cho biết, tại hội nghị Trung Quốc-Arab, phái đoàn Trung Quốc dự kiến ký hàng loạt thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với một số nước Arab. Trong khi đó, hội nghị Trung Quốc-GCC hướng đến ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) vốn đã được thảo luận trong gần hai thập niên qua, qua đó nâng cao uy tín của Bắc Kinh trong quan hệ kinh tế với các khối thương mại lớn. Tháng 11-2022, đại sứ Trung Quốc tại UAE cho biết, các cuộc đàm phán FTA đang ở giai đoạn cuối. Theo hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thương mại song phương giữa Trung Quốc và các nước vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và Iran, đạt 2,48 nghìn tỷ USD năm 2021.
Hôm 8-12, Saudi Arabia ký kết 35 thỏa thuận hợp tác đầu tư với Trung Quốc trị giá gần 30 tỷ USD thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó cái cái bắt tay với tập đoàn Huawei về điện toán đám mây và xây dựng các tổ hợp công nghệ cao ở các thành phố của vương quốc này.
Theo Reuters, trong tuyên bố chung ngày 9-12, Bắc Kinh và Riyadh cam kết tăng cường hợp tác, tiếp tục ủng hộ vững chắc lợi ích cốt lõi của nhau, nhấn mạnh các nguyên tắc chủ quyền và “không can thiệp”; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuyên bố chung cũng tái khẳng định tầm quan trọng của sự ổn định thị trường toàn cầu và hợp tác năng lượng, đồng thời nỗ lực thúc đẩy thương mại phi dầu mỏ và tăng cường hợp tác trong năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Bên cạnh đó, Riyadh lên tiếng ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Global Times dẫn lời ông Yahya Mahmoud bin Junaid, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông tri thức có trụ sở tại Riyadh nhận định: “Thế giới Arab coi Trung Quốc là một người bạn trung thành và là người đề xướng hiệu quả. Các hội nghị thượng đỉnh là bước đệm cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy hòa bình quốc tế, thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào và tăng cường bảo tồn văn hóa”. Các cuộc gặp mang tính bước ngoặt cũng cho thấy các nước Arab đang cùng nhau “hướng Đông”, đánh dấu sự điều chỉnh chiến lược và ngoại giao quan trọng của các nước Trung Đông, đồng thời thể hiện bước đi tiên phong về ngoại giao của Trung Quốc ở khu vực, qua đó giúp ổn định khu vực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
THƯ LÊ