Quốc tế

Tác động đầu tiên từ lệnh áp trần giá dầu Nga

09:09, 12/12/2022 (GMT+7)

Chỉ một tuần sau khi các nước phương Tây bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển, thị trường dầu mỏ toàn cầu chứng kiến những xáo trộn đầu tiên và đời sống của những người dân bình thường tại các nước tham gia sáng kiến này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Nga cho rằng đòn trừng phạt này sẽ chỉ “lợi bất cập hại” khi dầu của nước này vẫn đến các đối tác châu Á.

Các tàu chở dầu phải xếp hàng để chờ quá cảnh qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: euronews.next
Các tàu chở dầu phải xếp hàng để chờ quá cảnh qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: euronews.next

Dầu Nga bán cho châu Á cao hơn mức trần

Theo nhà cung cấp thông tin độc lập Argus Media, một số nhà máy lọc dầu độc lập tại Trung Quốc đã đặt đơn hàng bàn giao dầu thô từ vùng Viễn Đông của Nga (dầu ESPO) vào tháng 1-2023 với mức giá 67,11 USD/thùng, cao hơn mức giá trần hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) là 60 USD/thùng. Theo RT, công việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường khi các nhà máy lọc dầu độc lập phớt lờ mức giá trần của EU và chỉ quan tâm liệu mức giá khi bàn giao có mang lại lợi nhuận hay không.

Theo Bloomberg, với việc bán dầu ESPO trên mức giới hạn 60 USD, Moscow có thể đang trang trải toàn bộ chi phí vận chuyển và bảo hiểm cho các chuyến hàng được chuyển từ Viễn Đông đến Trung Quốc trong vòng vài ngày. Công ty Rosneft (Nga) đang mở rộng hoạt động thuê tàu chở hàng để hỗ trợ khách tại những khu vực không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây, nhanh chóng nhận được dầu.

Tháng 11 vừa qua, lượng xuất khẩu dầu của Nga qua đường biển đạt hơn 3 triệu thùng/ngày. Khoảng 67% lượng dầu thô từ các cảng của Nga hướng đến châu Á, tăng mạnh so với mức 40% trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông Ashok Sajjanhar, Chủ tịch Viện Nghiên cứu toàn cầu Ấn Độ, cho biết, các nước vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga, như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi khác.

Tác động không nhỏ đến người dân

Việc nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới bị áp giá trần rõ ràng tác động không nhỏ đến thị trường dầu. Mỗi ngày, nếu thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu thì 1/10 trong số đó là dầu của Nga. Theo Sputnik, tuyên bố trước đó của Moscow về từ chối bán dầu cho các nước tham gia áp trần giá dầu dường như chỉ ra triển vọng về giá dầu bất ổn. Tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi nhóm OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ ngày cho đến cuối năm 2023. Việc một lượng dầu thô đáng kể của Nga “bốc hơi” khỏi thị trường sẽ khiến giá dầu tăng vọt, trong khi lạm phát vẫn là “cơn đau đầu” của nhiều nền kinh tế. Theo các nhà phân tích tại Commerzbank, các lệnh trừng phạt mới có thể đẩy giá dầu Brent tăng trở lại mức 95 USD/thùng trong những tuần tới.

Trong khi giá dầu tăng cao có thể mang lại lợi nhuận tăng vọt cho các nhà kinh doanh xăng dầu thì gánh nặng sinh hoạt như hóa đơn năng lượng tăng và giá tiêu dùng tăng sẽ tiếp tục đè nặng lên vai người dân. Nói một cách đơn giản, nhiều người sống ở các nước áp đặt trần giá dầu của Nga giờ đây có nguy cơ phải chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ.

Theo Euractiv.sk, tuần qua, các trạm xăng ở miền nam Slovakia chật kín người mua từ nước láng giềng Hungary trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt xăng, dầu ở Budapest ở tình thế nguy cấp do nhu cầu tăng vọt và còn nguồn cung thì bấp bênh. “Điều chúng tôi lo sợ đã thành sự thật, lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga đã gây ra những xáo trộn rõ rệt trong nguồn cung nhiên liệu của Hungary”, Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban, ông Gergely Gulyas nói.

Công ty năng lượng MOL (Hungary) từng cảnh báo họ đã đạt đến giới hạn năng lực hậu cần để nhập khẩu nhiên liệu trong khi các nhà cung cấp nước ngoài như tập đoàn Shell (Anh) hay OMV (Áo) đã giảm xuất khẩu sang Hungary do ảnh hưởng của việc áp giá trần. Chính phủ Hungary đã hủy bỏ mức giá trần trong nỗ lực xoa dịu tình trạng hiện nay. Nhà phân tích Lukáš Kovanda tại Ngân hàng Trinity (CH Czech) cảnh báo, nếu tình trạng thiếu hụt xăng ở Hungary tiếp diễn, nó cũng có thể lan sang Slovakia trong thời gian tới.

Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu tại các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thuyên giảm. Bloomberg cho biết, hàng triệu thùng dầu trên các tàu chở dầu dường như không phải của Nga bị mắc kẹt ở eo biển Bosphorus của thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) do yêu cầu về bằng chứng bảo hiểm của Ankara như một phần trong chính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu thô của Nga. Theo lệnh cấm, các công ty cung cấp dịch vụ vận tải biển, trong đó có các công ty bảo hiểm, không được cung cấp dịch vụ cho xuất khẩu dầu thô của Nga nếu giá bán cao hơn giá trần.

Sau khi EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng Úc áp giá trần đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển, các nước khác, gồm Na Uy và Nhật Bản cũng có động thái tương tự. Theo các chuyên gia, Nga có nhiều lựa chọn đáp trả; trong đó cấm hoàn toàn xuất khẩu dầu mỏ sang bất kỳ nước nào tuân thủ lệnh áp giá trần.

THƯ LÊ

.