Quốc tế
Toan tính của Saudi Arabia khi xích lại gần Trung Quốc
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm tuần này, đúng vào thời điểm quan hệ Saudi Arabia-Mỹ vẫn còn những mắc mứu rất lớn. Động thái cho thấy quyết tâm của Riyadh nhằm đa dạng hóa quan hệ trong trật tự toàn cầu phân cực, bất chấp lời kêu gọi từ đồng minh phương Tây.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (bên phải) tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 7-2022. Ảnh: Reuters |
Việc Saudi Arabia xích lại gần Trung Quốc cho thấy toan tính thận trọng trong hợp tác với Bắc Kinh-đối tác kinh tế không thể thay thế của Riyadh, qua đó phục vụ các mục tiêu kinh tế lớn của vương quốc này.
Phục vụ kế hoạch kinh tế chủ chốt
Nhà lãnh đạo của “gã khổng lồ” dầu mỏ Saudi Arabia trở lại vũ đài thế giới sau những đồn đoán có liên quan đến vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi năm 2018, vụ việc khiến quan hệ với Mỹ căng thẳng. Bước đi mới nhất của Saudi Arabia khiến phương Tây phải dè chừng chính là việc ông Mohammed sẽ tập hợp các lãnh đạo của Trung Đông và Bắc Phi dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab ngày 9-12 nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình từ ngày 6-12. Theo Reuters, trong khuôn khổ chuyến thăm, phái đoàn Trung Quốc được cho là cho sẽ ký kết hàng chục thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với các nước vùng Vịnh và các nước Arab khác trong lĩnh vực năng lượng, an ninh và đầu tư tại hội nghị.
Thái tử Mohammed đang tập trung triển khai kế hoạch “Tầm nhìn 2030” để đưa kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ, bằng cách tạo ra những ngành công nghiệp mới như sản xuất ô-tô, vũ khí và hậu cần. Quốc gia này cũng đang đầu tư nguồn lực mạnh vào cơ sở hạ tầng mới, dự án quy mô lớn cho du lịch và kế hoạch xây dựng các tòa nhà lớn nhất thế giới thuộc dự án “siêu đô thị” có tên NEOM với tổng trị giá 500 tỷ USD. NEOM là “đứa con tinh thần” của Thái tử Mohammed, hướng tới xây dựng tòa nhà chọc trời đôi cao khoảng 500m, trải dài hàng chục km nằm trong Thành phố thẳng (The Line) dài hơn 170km. Dự án “khủng” này hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho các công ty xây dựng Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel Al-Jubeir cho biết, hợp tác thương mại và an ninh khu vực sẽ là ưu tiên trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia. Hai nước có những dự án đầu tư lớn ở thị trường của nhau”, ông Jubeir nói. Tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Saudi Arabia, vấn đề tài chính sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Hồi tháng 3-2022, Saudi Arabia cân nhắc bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ sau các cuộc đàm phán tích cực. Động thái này có thể gây thiệt hại cho mô hình petrodollar - bán dầu bằng USD vốn đã kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu trong hơn nửa thế kỷ - ảnh hưởng đến vị thế của đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế. Theo đó, các nhà cung cấp nhiên liệu lớn khác của Trung Quốc - Angola và Iraq, cũng như Nga sẽ có động thái tương tự khi chuyển sang thanh toán bằng nội tệ của Trung Quốc.
Thận trọng “đi dây”
Saudi Arabia đang làm sâu sắc quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tháng 10-2022, Saudi Arabia vượt Nga, trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, quan hệ Mỹ- Saudi Arabia vốn căng thẳng vì vấn đề nhân quyền và cuộc chiến tại Yemen, nay lại thêm lục đục do Thái tử Mohammed phớt lờ sức ép của Mỹ về chính sách năng lượng.
Dù Mỹ vẫn là đối tác quan trọng của vùng Vịnh về mặt an ninh nhưng Riyadh đang vạch ra chính sách đối ngoại phục vụ quá trình chuyển đổi kinh tế quốc gia khi thế giới xoay trục khỏi hydrocarbon vốn là huyết mạch của Saudi Arabia. Theo FT, vùng Vịnh đang xích lại gần Bắc Kinh hơn trong hợp tác thương mại, công nghệ và thậm chí cả công nghệ tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái có vũ trang. Washington lo ngại việc các nước vùng Vịnh sử dụng công nghệ 5G và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng quan trọng, gồm cảng biển.
“Riyadh đang hành động dựa trên tính toán chiến lược về việc phải thích ứng với Bắc Kinh bởi vì Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế không thể thay thế”, ông Ayham Kamel, chuyên gia tại hãng nghiên cứu Eurasia Group nhận định. Tuy nhiên, việc mở rộng quan hệ với Trung Quốc có khả năng phản tác dụng và dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc hơn nữa trong mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia. Do vậy, Thái tử Mohammed chắc chắn không theo đuổi điều này một cách bất chấp.
Trong khi đó, Washington gần đây nhắc lại sự ủng hộ đối với an ninh của Saudi Arabia với tính toán xây dựng các cấu trúc phòng thủ tích hợp ở vùng Vịnh. Trong chuyến thăm Riyadh hồi tháng 7-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Mỹ sẽ không bỏ đi và để khoảng trống tại khu vực này cho Trung Quốc, Nga hoặc Iran lấp đầy.” Nhà phân tích Abdulaziz Sager, Chủ tịch trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh nhận định, các nước Arab muốn gửi thông điệp đến các đồng minh phương Tây rằng họ có các lựa chọn thay thế và mối quan hệ của họ chủ yếu dựa trên lợi ích kinh tế. Song, họ cũng cảnh giác với việc bị cuốn vào bất kỳ tranh chấp nào giữa Trung Quốc và Mỹ vì họ phải duy trì quan hệ với cả hai cường quốc này.
THƯ LÊ