"Ba người bạn" Bắc Mỹ xoa dịu bất đồng

.

Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ vừa diễn ra tại Mexico City, lãnh đạo các nước Mỹ, Canada và Mexico đã công bố hàng loạt cam kết quan trọng, qua đó giúp khơi thông tiềm năng hợp tác ba bên với triển vọng lạc quan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái), Thủ tướng Canada Justin Trudeau (bên phải) và Tổng thống Mexico Lopez Obrador tại cuộc họp báo ngày 10-1, tại Mexico. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái), Thủ tướng Canada Justin Trudeau (bên phải) và Tổng thống Mexico Lopez Obrador tại cuộc họp báo ngày 10-1, tại Mexico. Ảnh: AP

Mexico và Canada đều kỳ vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ góp phần đưa hợp tác với hai nước láng giềng lên tầm cao hơn bởi người tiền nhiệm Donald Trump đã gây không ít khó xử cho họ.

Những kết quả khả quan

Theo AP, các nhà lãnh đạo của ba nước thể hiện tinh thần đoàn kết bất chấp những xích mích giữa các bên ngay cả khi Tổng thống Biden coi việc điều chỉnh các liên minh là nền tảng trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của mình. Căng thẳng trở thành tâm điểm khi Mexico phàn nàn về việc Mỹ dường như đang “bỏ rơi” Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, việc chính phủ Mexico tăng cường kiểm soát thị trường năng lượng của nước này cũng làm phật ý hai nước còn lại. Tuy nhiên, điều đáng mừng là hội nghị kết thúc ngày 10-1 (giờ địa phương) với cuộc họp báo chung mở ra triển vọng lạc quan về hợp tác ba bên. “Cả ba chúng tôi là đối tác thực sự. Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn chung cho tương lai, dựa trên các giá trị chung”, ông Biden nhấn mạnh.

Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo đưa ra nhiều cam kết quan trọng, tập trung vào các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm và có lợi ích chung như hợp tác kinh tế, thương mại trong khu vực và giải quyết các bất đồng liên quan đến an ninh năng lượng, di cư, sản phẩm nông nghiệp,  cắt giảm khí thải mê-tan…

Thành công lớn nhất của hội nghị có lẽ là cam kết hợp tác công nghiệp bán dẫn với kế hoạch tổ chức diễn đàn bán dẫn ba bên lần đầu tiên về tăng cường đầu tư và bảo đảm tính ổn định của chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vốn đang phụ thuộc vào các nước khu vực châu Á và bị gián đoạn do Covid-19 cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Diễn đàn sẽ thảo luận cách thức thúc đẩy sản xuất chip điện tử để cạnh tranh với các đối thủ từ châu Á và định hình công nghiệp này toàn thế giới trong hai đến ba thập niên tới.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ cho sản lượng điện mặt trời ở miền bắc Mexico và thu hút đầu tư vào sản xuất xanh, đặc biệt là sản xuất ô-tô, một ngành công nghiệp then chốt. Trong khi đó, Mỹ và Canada cũng đạt giải pháp một phần về tranh chấp an ninh biên giới kéo dài nhiều năm vốn làm gián đoạn kế hoạch di chuyển qua lại xuyên biên giới. Trong tuyên bố chung, hai nước sẽ thực thi các biện pháp giải quyết lượng hồ sơ tồn đọng vốn đạt đỉnh điểm vào năm ngoái là 330.000 do liên quan đến Nexus, chương trình cho phép công dân Canada và Mỹ đi qua biên giới nhanh hơn.

Thế khó của ông Biden

Về vấn đề chống buôn lậu ma túy và khủng hoảng di cư, hội nghị chỉ đạt các kết quả khiêm tốn khi các bên đưa ra các cam kết chung chung hoặc ít ỏi dựa trên các thỏa thuận trước đó hơn là các giải pháp mới khả thi hơn. Theo đó, ba bên đạt một số thỏa thuận về khuyến khích người di cư nộp hồ sơ hợp pháp, thay vì nỗ lực vượt qua biên giới bằng mọi cách; hình thành nền tảng trực tuyến mới để người di cư có quyền truy cập và đăng ký nhập cư bằng các con đường hợp pháp. Ngoài ra, việc giải quyết mâu thuẫn liên quan đến chính sách an ninh năng lượng, chính sách hạn chế nhập khẩu ngô biến đổi gen của Mexico, quy tắc xuất xứ sản phẩm ô-tô trong khu vực, đạo luật giảm lạm phát của Mỹ dường như chưa đạt kết quả khích lệ.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Mexico trình bày những thay đổi trong mô hình di cư trong vài thập niên qua và nhấn mạnh cách tốt nhất để ngăn người dân rời bỏ nhà cửa là đầu tư vào việc làm ổn định. Ông Obrador cảm ơn người đồng cấp Biden vì đã không xây “dù chỉ một mét tường” giữa biên giới hai nước, một hành động không mấy tế nhị nhằm vào chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ. Ông Obrador cũng tranh thủ kêu gọi ông Biden thúc giục Quốc hội Mỹ hợp pháp hóa những người Mexico di cư không có giấy tờ làm việc trong các ngành mà các công ty Mỹ đang chật vật tìm công nhân. Theo đó, “chìa khóa” giải quyết rốt ráo vấn đề này hoàn toàn nằm trong tay ông Biden.

Trong cuộc gặp trực tiếp với ông Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh lợi ích của thương mại tự do và cảnh báo chống lại các chính sách “Mua hàng Mỹ” mà Washington thúc đẩy. Được biết, gần 80% hàng xuất khẩu của Canada được chuyển đến Mỹ. Do vậy, tránh chủ nghĩa bảo hộ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Canada.

Theo các nhà quan sát, ông Biden thực sự đang ở thế khó khi đảng Cộng hòa tận dụng việc kiểm soát Hạ viện để buộc ông phải kiên định chính sách đối nội theo chủ trương bảo hộ thương mại và thái độ cứng rắn trong vấn đề người di cư và tị nạn đối với Canada và Mexico. Nếu điều này xảy ra, mọi bước đi của ông Biden chỉ khác người tiền nhiệm về hình thức chứ thực chất chưa có đột phá táo bạo nào. Giới quan sát cho rằng, ông Biden đang “nối gót” người tiền nhiệm trong các vấn đề gai góc này.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.