Lý do Trung Quốc bất ngờ ký thỏa thuận năng lượng trị giá 540 triệu USD với Taliban

.

Dù không chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, Trung Quốc đã ký hợp đồng năng lượng lớn với lực lượng đang cầm quyền tại quốc gia này. Vậy đâu là lý do thúc đẩy Bắc Kinh tiến tới thỏa thuận đầy bất ngờ trên?

Quan chức chính quyền Taliban Shahabuddin Dilawar, Mullah Abdul Ghani Baradar và Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu ở Kabul, Afghanistan hôm 5/1. Ảnh: AFP
Quan chức chính quyền Taliban Shahabuddin Dilawar, Mullah Abdul Ghani Baradar và Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu ở Kabul, Afghanistan hôm 5-1. Ảnh: AFP

Thỏa thuận bước ngoặt

Chính quyền Taliban đã ký kết thỏa thuận với một công ty Trung Quốc, cho phép đầu tư 540 triệu USD để phát triển các mỏ dầu khí ở quốc gia này. Thỏa thuận là khoản đầu tư quy mô lớn đầu tiên được thực hiện ở Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền cai trị đất nước kể từ tháng 8-2021, sau khi Mỹ rút quân kết thúc chiến dịch can thiệp quân sự kéo dài 20 năm ở nước này.

Dẫn tuyên bố từ chính quyền Taliban, hãng tin Bloomberg cho biết hợp đồng với Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Trung Á Tân Cương (CAPEIC) đã được ký kết tại Kabul với sự chứng kiến của Mullah Abdul Ghani Baradar – quan chức phụ trách các vấn đề kinh tế của Taliban và ông Wang Yu - Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan.

Thỏa thuận khai thác dầu 25 năm sẽ cho phép CAPEIC khoan dầu ở lưu vực sông Amu Darya. Đây là thỏa thuận khai thác năng lượng quốc tế lớn đầu tiên của Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền cai trị đất nước vào năm 2021.

“Về tài nguyên thiên nhiên, Afghanistan là một quốc gia giàu có. Ngoài các loại khoáng sản khác, dầu mỏ là tài sản của người dân Afghanistan mà nền kinh tế của đất nước có thể dựa vào”, Bloomberg dẫn lời ông Baradar nói.

Nguồn tin cho biết thêm Công ty CAPEIC sẽ đầu tư 150 triệu USD mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 3.000 người dân Afghanistan. Sau ba năm, khoản đầu tư sẽ tăng lên 540 triệu USD.

Lợi ích chiến lược

Mặc dù không công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhưng Bắc Kinh công nhận rằng lực lượng này đang kiểm soát quốc gia láng giềng có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn, đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển an ninh năng lượng, cũng như kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Vì vậy, trong khi các nhà ngoại giao phương Tây tháo chạy khỏi Kabul sau thời điểm Taliban lên nắm quyền, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn ở lại.

Theo giới chuyên gia, động thái quyết định ký kết thỏa thuận với Taliban của Trung Quốc nhằm mục đích đảm bảo vấn đề an ninh an năng lượng của quốc gia.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới và là “gã khổng lồ” công nghiệp, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Nước này không có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu trong nước, vốn liên tục tăng lên khi đất nước phát triển nhanh chóng.

Điều đó đã khiến Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn trên thế giới.

Đây cũng là yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh tạo lập thêm nhiều mối quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trong thời gian gần đây, bao gồm cả Nga, Ecuador và các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.

Dù mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia này vẫn bền chặt, hoạt động nhập khẩu năng lượng của Bắc Kinh đã bị cản trở. Nguồn tài nguyên từ những quốc gia này, ngoại trừ từ Nga, phải được nhập khẩu bằng đường biển và đi qua các điểm nóng chiến lược.

Nhận ra hạn chế này, trong những năm qua, Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), tìm cách hội nhập Á - Âu bằng cách xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên lục địa, xây dựng các tuyến hậu cần mới có thể cho phép hàng hóa ra vào Trung Quốc mà không gặp trở ngại từ phía Mỹ.

Chẳng hạn, Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), một trong các tiểu dự án của BRI, đang thiết lập một tuyến đường đến Tây Ấn Độ Dương. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra một lối tắt từ Trung Quốc đến Trung Đông mà không cần đi qua các khu vực hàng hải dễ bị tổn thương về mặt quân sự.

Nhưng dường như không có lộ trình chiến lược nào, bao gồm cả BRI, sẽ hoàn thiện nếu không có sự hợp tác của Afghanistan. Quốc gia Trung Á này có chung đường biên giới ngắn với Trung Quốc và nằm trên ngã tư giữa Trung Đông, Trung Á và Nam Á. Điều này có nghĩa Kabul tạo nên một phần quan trọng trong chiến lược và an ninh của chính Trung Quốc.

Tay súng Taliban đứng gác trên phố ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP
Tay súng Taliban đứng gác trên phố ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP

Làn gió mới cho sự ổn định của Afghanistan?

Mặc dù Afghanistan đã rơi vào tình trạng bất ổn chính trị trong nhiều thập kỷ, nhưng việc Mỹ rút quân khỏi đất nước và Taliban nắm quyền cai trị đã mang lại sự ổn định tương đối trái ngược với hoàn cảnh thông thường của Afghanistan.

Mặc dù mối đe dọa từ lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn tiếp diễn, song Afghanistan hiện được đánh giá là đang ở thời điểm ổn định nhất trong 40 năm. Dẫu vậy, phải thừa nhận rằng mức độ ổn định vẫn ở mức rất thấp.

Trên thực tế, Afghanistan có trữ lượng khoáng sản khổng lồ và sở hữu tới 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên và dầu mỏ.

Đối với Trung Quốc, nguồn tài nguyên ở Afghanistan đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề an ninh năng lượng.

Còn với Afghanistan, việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào khai thai tài nguyên sẽ vực dậy nền kinh tế đã bị rơi xuống đáy, kể từ sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi quốc gia Trung Á này.

Giới chuyên gia nhận định rằng chưa bao giờ trong nhiều thập kỷ, Afghanistan lại có cơ hội nhận được số tiền đầu tư lớn như vậy.

Có thể thấy rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc và nỗ lực củng cố quan hệ kinh tế với Taliban là vì lợi ích quốc gia và chiến lược. Liệu Trung Quốc có thể  tiếp cận nguồn năng lượng hay tìm kiếm nó ở đâu dễ dàng hơn ở một quốc gia láng giềng?

Hơn nữa, Bắc Kinh tin rằng bằng cách đầu tư vào Afghanistan, họ có thể giúp đất nước này ổn định hơn nhờ thịnh vượng. Do đó, mô hình đầu tư của Trung Quốc được đánh giá là điều mới mẻ, tích cực và mang tính khác biệt cho Afghanistan, thay vì áp đặt lệnh trừng phạt như Mỹ.

Đặc biệt, khi ký kết thỏa thuận dầu mỏ trên, Trung Quốc cam kết tôn trọng chính trị và không can thiệp vào nội bộ của quốc gia này.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.