Quốc tế
Thế giới tuần qua: Châu Á hân hoan đón Tết Nguyên đán; Bước leo thang nguy hiểm trong xung đột Ukraine
Các nước châu Á hân hoan đón Tết Nguyên đán và Mỹ, Đức “bật đèn xanh” cung cấp xe tăng cho Ukraine - bước leo thang nguy hiểm trong xung đột ở Ukraine là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Các nước châu Á hân hoan đón Tết Nguyên đán
Sau gần 3 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, người dân tại nhiều quốc gia châu Á lại hân hoan đón Tết Nguyên đán 2023 với nhiều kỳ vọng.
Màn pháo hoa rực rỡ sắc màu chào Năm mới 2023 ở Solo, Trung Java, Indonesia. Ảnh: AFP |
Tết Nguyên đán là nét văn hóa truyền thống lâu đời, không thể thiếu trong đời sống của người dân nhiều quốc gia châu Á. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, đón chào năm mới với những kỳ vọng bình an và hạnh phúc.
Sau khi gỡ bỏ những hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19, người dân Trung Quốc đã rộn ràng chào đón Năm mới 2023 sau 3 năm phong toả. Nhiều người cuối cùng đã có thể thực hiện chuyến đi đầu tiên trở về quê để sum họp, đoàn tụ với gia đình mà không phải lo lắng về những quy định cách ly, nguy cơ bị phong tỏa hay hạn chế đi lại. Trong đợt cao điểm du lịch Tết Nguyên đán, ước tính người dân Trung Quốc thực hiện khoảng 2,1 tỷ hành trình nội địa, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Không còn những hạn chế vì Covid-19, các gia đình Trung Quốc đã có thể tụ tập tổ chức những bữa cơm tất niên bên ngoài. Những khó khăn hàng ngày tạm gác lại, để nhường chỗ cho một không khí tràn đầy hy vọng. Hàng loạt hoạt động công cộng cũng đã được tổ chức trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn, trong đó có nhiều sự kiện văn hóa quy mô lớn tại thủ đô Bắc Kinh. Đám đông người dân đã ghé thăm những ngôi đền trong dịp lễ lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Bên ngoài ngôi chùa Lama nổi tiếng ở Bắc Kinh, hàng nghìn người xếp hàng dài 1km chờ đợi lượt vào cầu nguyện, xin một năm mới mạnh khoẻ cho những người thân yêu.
Một người dân Bắc Kinh chia sẻ cô mong ước năm mới sức khoẻ cho tất cả mọi người.
“Tôi nghĩ làn sóng đại dịch đã chấm dứt. Tôi không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng chồng và những người thân trong gia đình đều bị. Tôi vẫn nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tự bảo vệ bản thân”, một người dân 57 tuổi họ Fang chia sẻ.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), người dân đã đổ về đền Wong Tai Sin để đi lễ đầu năm. Đây là nghi thức truyền thống phổ biến đã bị hoãn lại trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19.
Theo truyền thống, mọi người thường tập trung trước 23 giờ của đêm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhiều người hy vọng sẽ trở thành người đầu tiên, hoặc nằm trong số những người đầu tiên, thắp hương trước chính điện của ngôi đền với niềm tin những lời cầu nguyện trở thành hiện thực.
Trong khi đó, tại các nước Đông Nam Á, dù cùng đón Tết âm lịch nhưng Tết ở các nước trong khu vực lại tương đối đa dạng và khác biệt bởi đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo và đa văn hoá.
Theo nhiều quan điểm, ý nghĩa của Tết có thể gắn liền với thời khắc giao thoa năm cũ sang năm mới như tại Singapore và Việt Nam; hay khoảng thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa như Lào, Campuchia, Myanmar.
Còn tại Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Đông Timor, dịp Tết thường gắn liền với một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển tôn giáo chính của quốc gia.
Với gần 1/4 dân số là người gốc Hoa, Tết Nguyên đán tại Malaysia được tổ chức hoành tráng và sôi động. Trong 2 tuần nghỉ lễ, người dân sẽ trang trí nhà cửa bằng hoa tươi, câu đối, tranh vẽ... đa phần đều mang sắc đỏ với hy vọng về năm mới bình an, hạnh phúc.
Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân Indonesia cũng tất bật dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà cửa bằng hoa, đèn lồng, câu đối. Những chiếc đèn lồng đỏ rực trên đường phố là hình ảnh phổ biến báo hiệu đất nước này đang đón Tết Nguyên đán.
Bước leo thang nguy hiểm trong xung đột ở Ukraine
Sau những tranh luận căng thẳng, cuối cùng, Washington và Berlin đều đã “bật đèn xanh” về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Động thái này đã thúc đẩy bước leo thang mới trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp Nội các ngày 25-1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo nước này sẽ chuyển giao các xe tăng hiện đại Leopard 2 cho Ukraine.
Ông Scholz nhấn mạnh Chính phủ Đức đã quyết định chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực loại Leopard 2A6 cho lực lượng chiến đấu Ukraine. Quyết định này được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận với các đối tác châu Âu và quốc tế.
Theo Thủ tướng Scholz, quyết định trên phù hợp với chủ trương mà Đức đã tuyên bố - là hỗ trợ tối đa cho Ukraine với sự hợp tác và điều phối quốc tế chặt chẽ. Theo ông, mục tiêu của Đức là nhanh chóng giao 2 đội tăng Leopard 2 - gồm 14 xe - cho Ukraine.
Quyết định của Đức chắc chắn sẽ mở đường cho các quốc gia khác - như Ba Lan, Tây Ban Nha và Na Uy - cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine.
Xe tăng Leopard 2 A7 của Quân đội Đức tham gia một buổi huấn luyện ở Munster ngày 13-10-2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết Mỹ cũng đã sẵn sàng cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams tiên tiến trong vài tháng tới cho Ukraine, quyết định giúp phá vỡ thế bế tắc ngoại giao với Đức xoay quanh cách tốt nhất để hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Trước đó, Mỹ không mặn mà với ý tưởng triển khai xe tăng M1 Abrams vốn khó bảo trì tới Ukraine, nhưng Washington đã thay đổi chiến thuật nhằm thuyết phục Đức gửi những chiếc xe tăng Leopard 2 dễ sử dụng hơn tới quốc gia Đông Âu này.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cung cấp xe tăng M1 Abrams - một trong những loại xe tăng chủ lực mạnh nhất của Mỹ - thông qua quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép chính quyền Tổng thống Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp nước này, thay vì lấy từ kho vũ khí hiện có của Mỹ, dù việc này sẽ mất thời gian hơn.
Như vậy, sau nhiều tháng kêu gọi và chờ đợi, Ukraine đang đứng trước cơ hội lớn để có được những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực được nhìn nhận là hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Quyết định của Mỹ và Đức được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang giúp Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công tiềm tàng vào mùa xuân, nhằm đẩy Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ do Moskva kiểm soát.
Với quyết định này, lần đầu tiên xe tăng do phương Tây sản xuất sẽ tham chiến ở Ukraine. Giới chuyên gia nhận định sau xe tăng, việc phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine cũng chỉ là vấn đề thời gian.
Như vậy, từ xe tăng Liên Xô tới HIMARS, xe tăng do phương Tây sản xuất và tới đây là máy bay chiến đấu, cuộc xung đột ở Ukraine đang leo thang tới ngưỡng nguy hiểm. Không chỉ leo thang về vũ khí, Nga coi các cam kết viện trợ xe tăng cho Ukraine của Mỹ và châu Âu là bằng chứng phương Tây ngày càng can dự sâu hơn vào chiến sự và cho thấy biểu hiện của cuộc chiến tranh uỷ nhiệm ngày càng hiện rõ.
Bình luận về động thái của Berlin, Đại sứ quán Nga tại Đức cảnh báo trong một tuyên bố rằng “quyết định vô cùng nguy hiểm này sẽ đẩy cuộc xung đột ở Ukraine sang một cấp độ đối đầu mới”.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev chứng tỏ họ đã can dự trực tiếp và ngày càng tăng vào cuộc xung đột Ukraine.
“Châu Âu và Mỹ liên tục tuyên bố rằng việc viện trợ các hệ thống vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng, không làm gia tăng đáng kể sự liên quan của họ đến tình trạng xung đột ở Ukraine. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này. Và tại Moskva, mọi việc mà những bên tôi nhắc đến ở trên đang làm đều được coi là can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Chúng tôi thấy tình trạng này đang gia tăng”, ông Peskov cho biết.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh viện trợ quân sự cho Kiev sẽ khiến cuộc xung đột Ukraine kéo dài. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các nước NATO đang “đùa với lửa” bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev và bất kỳ đoàn xe vũ khí nào tới Ukraine sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng Nga.
Theo Báo Tin tức