Quốc tế

Tranh biếm họa của Charlie Hebdo lại gây sóng gió

10:47, 07/01/2023 (GMT+7)

Ra đời từ năm 1970, tạp chí Charlie Hebdo (Pháp) nổi tiếng với việc chuyên đăng tải những bức biếm họa táo bạo nhằm vào giới chính khách, người của công chúng và cả các biểu tượng tôn giáo.

Charlie Hebdo có lịch sử gây tranh cãi vì đăng một số bức biếm họa nhà tiên tri Mohammeh theo nghĩa không tích cực, khiến nhiều người Hồi giáo tức giận. Mới đây, ngày 4-1, Charlie Hebdo đăng tải 35 bức tranh trong số 300 bức biếm họa gửi từ khắp nơi trên thế giới tham gia cuộc thi quốc tế do tạp chí này tổ chức nhằm ủng hộ phong trào biểu tình bắt đầu ở Iran hồi tháng 9-2022. Đáng chú ý, trong số đó có biếm họa về lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei - nhân vật chính trị, tôn giáo quyền lực nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran - mà tạp chí này đã khuyến nghị các họa sĩ sáng tác những bức biếm họa đả kích mạnh mẽ nhất nhắm vào giáo chủ tối cao Ali Khamenei.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Iran triệu tập Đại sứ Pháp Nicolas Roche vì vụ việc. Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh: “Pháp không có quyền xúc phạm những điều thiêng liêng của các quốc gia Hồi giáo và những nước khác với lý do tự do ngôn luận. Iran đang chờ đợi lời giải thích và hành động đền bù của Chính phủ Pháp trong việc lên án những hành vi không thể chấp nhận được trên ấn phẩm ở nước này”. Trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cáo buộc Paris đã dung túng hành vi của tạp chí Charlie Hebdo vì không có phản ứng quyết liệt và hiệu quả.

Thực tế, các nội dung châm biếm về tôn giáo, đặc biệt về những tín đồ sùng đạo, lại "châm ngòi" làn sóng chỉ trích tại một số nước Hồi giáo, thậm chí các phần tử al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng coi đó nguyên nhân để chúng gây nên các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng. Điều này khiến Charlie Hebdo trở thành đối tượng của nhiều vụ kiện tụng cũng như mục tiêu công kích từ các thành phần Hồi giáo cực đoan toàn cầu.

Ngay tại Pháp, Charlie Hebdo cũng gây tranh cãi khi những người ủng hộ coi tạp chí là tiếng nói đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận trong khi số khác chỉ trích tạp chí có hành vi khiêu khích không cần thiết. Tờ Washington Post từng nhận định, sự bất kính, khiếm nhã trong việc châm biếm nhiều tôn giáo đã khiến tuần báo Charlie Hebdo rơi vào tầm ngắm của các tổ chức cực đoan trong suốt nhiều năm qua. Theo đức tin của đạo Hồi, việc vẽ tranh, phác họa chân dung đấng đối cao là điều vô cùng cấm kỵ, huống chi vẽ tranh biếm họa.

Dư luận còn nhớ vào tháng 11-2011, văn phòng của Charlie Hebdo bị đốt phá cùng ngày tạp chí này định ra ấn bản với trang bìa dường như chế giễu luật Hồi giáo. Đặc biệt, sự kiện gây chấn động nước Pháp là vào tháng 1-2015, khi hai tay súng Hồi giáo cực đoan đột nhập xả súng vào các phòng làm việc của tòa soạn Charlie Hebdo (Paris) làm 12 người thiệt mạng, trong đó có một số họa sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng của Pháp. Vụ việc kéo theo một loạt vụ tấn công thánh chiến khắp lãnh thổ Pháp khiến hơn 250 người thiệt mạng, trong đó có những vụ do các phần tử “sói đơn độc” tiến hành - những đối tượng được cho là chịu ảnh hưởng của IS.

Trong bối cảnh châu Âu chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn do cuộc xung đột Nga-Ukraine, quan hệ giữa Pháp với Trung Đông nói chung, với Iran nói riêng, vẫn còn nhiều chông gai, việc Charlie Hebdo đăng những bức biếm họa nhằm vào lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei có thể gây sóng dữ cho các mối quan hệ. Thậm chí, còn có nguy cơ xảy ra các vụ bạo loạn trên đường phố Paris hoặc tấn công khủng bố nhằm vào tạp chí này như đã từng diễn ra 8 năm về trước. Đây cũng được xem là thách thức không nhỏ mà chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối diện trước sự cảnh báo của Iran.

TUYẾT MINH

.