Quốc tế
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc xung quanh vụ khinh khí cầu
Việc máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trong không phận nước này giáng đòn mạnh vào mối quan hệ hai nước vốn đang ở mức thấp trong những năm qua. Đến nay, một số câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ khi thông tin hai bên đưa ra xung quanh sự vụ này cũng trái ngược nhau.
Máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc ngày 4-2 (giờ địa phương). Ảnh: NYT |
Mỹ phản ứng cứng rắn
Ngày 4-2 (giờ địa phương), Lầu Năm Góc cử máy bay chiến đấu bắn hạ khinh khí cầu có kích thước bằng ba chiếc xe buýt của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina ở độ cao 18,6km. Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng các phi công hoàn thành nhiệm vụ. Lý giải về việc Mỹ xử lý cứng rắn với vật thể này sau vài ngày theo dõi, ông Biden cho biết, ông yêu cầu Bộ Quốc phòng bắn hạ khinh khí cầu do thám từ ngày 1-2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khuyến nghị nên đợi đến khi có thể thực hiện chiến dịch này trên mặt nước để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống trái đất. Do đó việc bắn hạ diễn ra trên vùng biển rộng.
Theo CNN, Washington một mực cho rằng, đây là khinh khí cầu do thám bởi nó không mang theo vũ khí mà lại chứa các cảm biến và thiết bị giám sát, có thể điều khiển được và thay đổi hướng bay. Dựa trên nhận định này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin coi việc bắn hạ là hành động hợp pháp nhằm đáp trả việc vi phạm chủ quyền dù khinh khí cầu không tạo mối đe dọa quân sự nào. Xác và mảnh vỡ của khinh khí cầu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Virginia. Bộ Quốc phòng Mỹ đang hợp tác với FBI và các cơ quan liên quan để hỗ trợ phân loại và đánh giá khinh khí cầu.
Ở chiều ngược lại, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5-2 bày tỏ hết sức bất bình và phản đối việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự. Động thái của Mỹ là hành động quá mức và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế. Sở dĩ Bắc Kinh có phản ứng mạnh mẽ như vậy bởi trước đó họ đã giải thích rằng sự xuất hiện ngoài ý muốn của khinh khí cầu dân sự trong không phận Mỹ là do bất khả kháng.
Theo đó, khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Do ảnh hưởng của gió tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế nên nó đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến. Các chuyên gia an ninh và hàng không quốc tế cũng nhận định, thiết kế của khí cầu có nhiều đặc điểm giống với khinh khí cầu tầm cao, được nhiều bởi nhiều nước sử dụng để thu thập dữ liệu thời tiết, viễn thông và nghiên cứu khoa học.
Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Sự cố khinh khí cầu khiến dư luận phương Tây bàn tán sôi nổi. Vì không thỏa mãn với lời giải thích từ Bắc Kinh nên đa phần họ đặt hai câu hỏi chủ yếu: Khinh khí cầu đến Mỹ bằng cách nào và mục đích thực sự của nó là gì? Theo Washington Post, việc xác định mục đích của khinh khí cầu Trung Quốc thực sự không đơn giản. Trong khi đó, theo ông John Ferrari, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, mục đích của lộ trình bay lần này có thể là nhằm kiểm tra năng lực của Mỹ trong việc phát hiện các mối đe dọa sắp đến và tìm ra lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo phòng không.
Ngoài ra, điều này cũng có thể cho phép thiết bị Trung Quốc cảm nhận được bức xạ điện từ mà các vệ tinh ở độ cao lớn hơn không phát hiện được, chẳng hạn như tần số vô tuyến năng lượng thấp giúp họ hiểu phương thức liên lạc giữa các hệ thống vũ khí của Mỹ với nhau. Đến nay, cũng chưa rõ việc khí cầu này bay tới Montana bằng cách nào. Được biết, Montana và các bang lân cận là nơi đặt các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời là căn cứ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ. Theo Giáo sư hóa học khí quyển Dan Jaffe tại Đại học Washington, dựa trên các hướng gió, giải thích của Trung Quốc về việc gió Tây ôn đới khiến khí cầu “đi lạc” đến địa điểm nhạy cảm này là hợp lý.
Theo Global Times, Trung Quốc chỉ trích một số chính khách và truyền thông Mỹ suy đoán vô căn cứ sự cố khinh khí cầu để thổi phồng cái mà họ gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” lên tầm cao mới, qua đó làm ảnh hưởng đến uy tín của Trung Quốc và gây thêm bất ổn cho quan hệ song phương. Bắc Kinh không có ý định, cũng chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ và không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào; đồng thời kêu gọi truyền thông quốc tế tránh phán đoán sai về sự vụ này. Chính quyền ông Biden nên thể hiện khả năng lãnh đạo chính trị thực sự để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân hai nước, thay vì để sự cố khinh khí cầu hoặc các sự kiện bất ngờ khác cản trở trao đổi song phương.
Các nước Mỹ Latinh cũng phát hiện khinh khí cầu Tối 4-2, Costa Rica xác nhận có người nhìn thấy một khinh khí cầu lớn màu trắng bay qua thủ đô San Jose tuần qua. Khinh khí cầu có bề ngoài tương tự khinh khí cầu mới bị Mỹ bắn hạ. Costa Rica không có kế hoạch điều tra thêm vì khinh khí cầu đã biến mất. Hôm 3-2, Lực lượng Không quân Colombia xác nhận vật thể có đặc điểm tương tự khinh khí cầu được phát hiện trong không phận khu vực phía bắc Colombia. Khinh khí cầu đã rời khỏi không phận Colombia sau khi bị Hệ thống Phòng thủ Quốc gia theo dõi. |
THƯ LÊ