Đà Nẵng cuối tuần

Người Pháp nổi giận

17:13, 04/02/2023 (GMT+7)

Cải cách hưu trí từ lâu là chủ đề gây tranh luận ở nước Pháp và là thất bại lớn nhất của Tổng thống Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ đầu. Lần này, người Pháp lại tức giận xuống đường phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi và tăng số năm làm việc tối thiểu để hưởng lương hưu đầy đủ.

Dòng người biểu tình ở thành phố Strasbourg, phía đông nước Pháp, ngày 31-1. Ảnh: AFP
Dòng người biểu tình ở thành phố Strasbourg, phía đông nước Pháp, ngày 31-1. Ảnh: AFP

Người Pháp nói về giấc mơ “không có tỷ phú”, tức chính phủ phải lấy tiền từ giới siêu giàu, chứ không nên “tiết kiệm trên lưng của những người làm việc chăm chỉ với mức lương thấp”. Song, nếu không cải cách, hệ thống hưu trí của quốc gia châu Âu này đang thâm hụt khoảng 17 tỷ euro sẽ càng thâm hụt hơn.

Quyết tâm của chính phủ

Tuổi nghỉ hưu ở Pháp hiện là 62 tuổi - mức thấp nhất so với các nền kinh tế lớn khác tại châu Âu. Tuổi nghỉ hưu ở Đức, Bỉ, Tây Ban Nha là 65; ở Đan Mạch là 67.

Theo kế hoạch của chính phủ Pháp, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng dần từ ngày 1-9-2023, với tỷ lệ tăng là 3 tháng cho mỗi năm tuổi. Đến năm 2027, tuổi nghỉ hưu sẽ là 63 và đến năm 2030 là 64 tuổi. Để được hưởng lương hưu đầy đủ, từ năm 2027, người Pháp phải làm việc đủ 43 năm. Những người bắt đầu làm việc từ 16 tuổi, tuổi nghỉ hưu là 58. Những người làm việc từ 18-20 tuổi, tuổi nghỉ hưu từ 62. Những người bị thương tật hoặc mất khả năng lao động, tuổi nghỉ hưu là 62. Người lao động bị tàn tật có thể nghỉ hưu từ 55 tuổi. Những người phải học trong thời gian dài và bắt đầu làm việc muộn sẽ nghỉ hưu ở tuổi 67.

Các ngành nghề phải hoạt động đặc biệt, đối mặt với rủi ro cao như lính cứu hỏa hay binh lính có thể nghỉ hưu ở tuổi 62. Chế độ hưu trí đặc biệt cho phép nghỉ hưu sớm, vốn áp dụng với lái tàu điện và nhân viên hệ thống giao thông công cộng ở Paris, công chứng viên hay kỹ sư gas và điện, sẽ bị bãi bỏ. Lương hưu tối thiểu sẽ được nâng lên 1.200 euro (hơn 1.300 USD) mỗi tháng cho toàn bộ người nghỉ hưu.

Tổng thống Emmanuel Macron xem cải cách hưu trí là bài toán kinh tế sống còn, bởi quỹ hưu trí sẽ sụp đổ khi tuổi thọ của công dân Pháp ngày càng cao, tỷ lệ người đang lao động với người nghỉ hưu ngày càng thấp, tức số người đang làm việc ít đi và số người nghỉ hưu nhiều hơn. Nhiều năm nay, chính phủ Pháp đều phải bù đắp hàng tỷ euro mỗi năm cho quỹ lương hưu. Nếu thực hiện cải cách hưu trí, Pháp sẽ thu về thêm khoảng 17,7 tỷ euro vào năm 2030.

“Tổng thống của người giàu”

Sau khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu vào năm 2017, ông Macron đã xóa bỏ một loại thuế tài sản đặc biệt, đồng thời sửa luật cho phép dễ thuê và sa thải nhân viên. Từ đó, người Pháp gọi ông là “Tổng thống của người giàu”.

Năm 2018, Tổng thống Macron muốn thực hiện cải cách hưu trí, nhưng kế hoạch vừa đưa ra thì vấp phải phong trào biểu tình “Áo gile vàng”. Sau đó, Covid-19 bùng phát, rồi đến xung đột Nga - Ukraine, ông Macron quay cuồng ứng phó các cuộc khủng hoảng nên tạm gác kế hoạch cải cách hưu trí.

Giờ đây, người đứng đầu Điện Élysée thúc đẩy kế hoạch mà ông cho là cần thiết. Thế là hàng triệu người xuống đường biểu tình kể từ tháng 1 đến nay. Trong suy nghĩ của những người phản đối, những thay đổi được đề xuất không chỉ là tăng tuổi nghỉ hưu, mà còn là một mô hình kinh tế có lợi cho người giàu và một tổng thống quá gần gũi với người giàu. Các chính trị gia cánh tả và các nghiệp đoàn tập trung tranh luận về cách phân phối của cải dưới thời Tổng thống Macron và liệu những người nghèo nhất có chịu gánh nặng từ các đề xuất của vị Tổng thống 47 tuổi hay không.

Cô Floriane Verheil (44 tuổi), nhân viên bảo tàng, tham gia biểu tình cùng chồng ở thủ đô Paris ngày 1-2 phát biểu: “Ông Macron không bao giờ lấy tiền từ nơi dồi dào: thuế lợi tức phụ thu, cổ tức, các công ty. Họ đang tiết kiệm ở những nơi không nên tiết kiệm, trên lưng của những người làm việc chăm chỉ với mức lương thấp”. Bà Sandrine Carre (52 tuổi) ở thành phố Bordeaux bày tỏ: “Tôi không thể chờ đến 64 tuổi. Tôi là giáo viên mầm non và không thể dạy cho đến gần cuối đời”. Với đặc thù công việc, bà Carre phải luôn ngồi thấp xuống và đầu gối của bà bị đau.

Giấc mơ “nước Pháp không có tỷ phú”

Các nghiệp đoàn, chính trị gia cánh tả và trí thức bao gồm nhà kinh tế người Pháp Thomas Piketty - chuyên nghiên cứu về sự bất bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế, cho rằng những người lao động không có tay nghề và được trả lương thấp, những người thường bắt đầu đi làm sớm hơn sinh viên, là những người bị thiệt hại nhiều nhất. Song, theo các nghiệp đoàn, có nhiều cách khác để tăng thu như đánh thuế giới siêu giàu, yêu cầu người sử dụng lao động hoặc người hưu trí khá giả đóng góp nhiều hơn.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng HSBC cho thấy, người Pháp không tiết kiệm đủ cho tuổi nghỉ hưu. Hơn 1/3 dân Pháp không tiết kiệm gì cho tuổi già và khoảng 23% số người thừa nhận không chuẩn bị cho quãng thời gian hưu trí một cách đầy đủ. Đa số người dân dựa hoàn toàn vào chế độ lương hưu của chính phủ.

Trong cuộc tranh luận vào cuối tuần qua, chính trị gia Jean-Luc Mélenchon, người về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi năm ngoái nhắc đến tỷ phú Bernard Arnault (74 tuổi) đứng sau “đế chế” thời trang xa xỉ LVMH của Pháp. Ông Arnault vừa giành ngôi giàu nhất thế giới, với tài sản tăng đột biến lên hơn 184 tỷ USD. Lãnh đạo Đảng Xanh, bà Marine Tondelier còn nói rằng bà mơ về một “nước Pháp không có tỷ phú”.

Khi người Pháp đã quen với khoảng 42 mức hưu trí khác nhau dành cho người lao động thuộc những ngành nghề khác nhau, việc rút gọn hệ thống lương hưu cồng kềnh không đơn giản. Dự luật cải cách gây nhiều tranh cãi này sẽ được biểu quyết ở Hạ viện vào ngày 6-2.

KHÁNH LINH (theo AFP, Sinar Daily)

.