Quốc tế

Động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Những thách thức khủng khiếp sau thảm họa

08:27, 08/02/2023 (GMT+7)

Số thương vong liên tục tăng mạnh sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sáng 6-2. Trong khi thời tiết bất lợi cản trở nỗ lực cứu hộ thì thảm họa này gây mất điện diện rộng khiến nhiều người ở hai nước này rơi vào cảnh màn trời chiếu đất ngay giữa tiết trời lạnh giá mùa đông. Sức tàn phá của trận động đất ở Syria còn khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn đối với hàng triệu người sống sót ở đất nước mà nội chiến vẫn dai dẳng.

Một người dân đứng cạnh tòa nhà đã đổ sập do động đất tại Zardana (Syria) ngày 6-2. Ảnh: AFP
Một người dân đứng cạnh tòa nhà đã đổ sập do động đất tại Zardana (Syria) ngày 6-2. Ảnh: AFP

Theo The Guardian, tính đến 20 giờ ngày 7-2, ít nhất 5.000 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, số thương vong có thể lên hơn 20.000 người. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi đây là thảm họa kinh hoàng nhất với nước này trong nhiều thập niên. CBC News dẫn lời một thành viên nhóm viện trợ quốc tế từ Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), gần tâm chấn của trận động đất, cho biết: “Lúc này, nhiều người đang ở ngoài đường và không có chăn ấm, thức ăn và cả nước uống trong thời tiết rất lạnh giá”.

Dư chấn bất thường

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGV), trong vòng một ngày sau động đất, Thổ Nhĩ Kỳ trải qua hơn 60 dư chấn với cường độ từ trên 2,5 độ Richter trở lên. Theo giới địa chấn học, thông thường các dư chấn sẽ yếu hơn khoảng 1,2 độ so với trận động đất chính, nhưng lần này thì không phải thế. Một cơn địa chấn mạnh 7,5 độ xảy ra vào chiều 6-2, tức chỉ hơn 9 tiếng sau trận đầu mạnh 7,8 độ. “Dù có yếu hơn chút, nhưng bản thân cơn dư chấn bất thường này cũng là cơn địa chấn mạnh”, PGS Robert Shcherbakov về vật lý địa chất phi tuyến và địa chấn học thống kê thuộc Đại học Western (Canada) cho biết. Dù đã nghiên cứu về động đất 20 năm qua nhưng ông Shcherbakov cho biết, thời gian qua đã không còn nghe tới những thảm họa động đất nghiêm trọng tới mức như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa rồi. “Đó là khu vực rất phức tạp về mặt kiến tạo địa chất”, ông Shcherbakov nói.

Bà Anna Banerji, bác sĩ nhi chuyên về bệnh nhiễm ở Trường Y tế cộng đồng Dalla Lanna, Đại học Toronto (Canada) cho biết, từ trải nghiệm từng tham gia hỗ trợ Haiti sau trận động đất thảm họa năm 2010, bà cho rằng việc đầu tiên lúc này cần ưu tiên giải quyết nhu cầu y tế trong giải cứu những người bị mắc kẹt và chăm sóc các chấn thương nghiêm trọng và sau đó cần dành sự quan tâm tới những người có bệnh mãn tính, nhất là ở khu vực hạ tầng bị hư hại nặng. Các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng là điều cần phải quan tâm tiếp theo vì chúng sẽ còn “ở đó” rất lâu ngay cả khi thảm họa đã qua đi. “Chuyện này liệu có tái diễn không?” và “Tại sao tôi sống sót nhưng những người trong gia đình đã chết” là những câu hỏi đau đáu về khủng hoảng tinh thần có thể xảy đến với những người sống sót. Bà Anna cũng lưu ý việc các hạ tầng bị tàn phá trong thiên tai cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân.

Sẽ mất rất lâu để vượt qua

Theo các chuyên gia, việc khắc phục hậu quả trận động đất sẽ mất rất nhiều thời gian. Các tòa nhà, hệ thống thoát nước, đường sá bị tàn phá ở nhiều nơi. Và ở Syria cũng vậy, đang trong nội chiến, rất nhiều hạ tầng cũng đã bị phá hủy rồi. Họ cần các nguồn vật lực và nhân lực để có thể tái thiết hạ tầng và phòng bệnh tật. “Hạ tầng, nước, xả thải, thực phẩm, nơi ở, tất cả đều thực sự quan trọng, và chúng cần thời gian cũng như tiền bạc”, bà Anna nói.

Các cơ quan viện trợ quốc tế liên tục kêu gọi hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho hai nước trên. Tuy nhiên, Syria có thể phải chịu đựng thảm họa kéo dài. Vốn dĩ nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ngày càng tăng ở Syria trong bối cảnh nội chiến còn phức tạp. Ông Rula Amin, cố vấn truyền thông cấp cao của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết: “Mọi chuyện không hề dễ dàng hơn sau 12 năm nội chiến. Mỗi ngày trôi qua, mọi người phải di dời và họ phải rời bỏ nhà cửa, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Họ đang phải chịu đựng các khủng hoảng nối tiếp nhau”.

Trong khi đó, GS Jack Rozdilsky chuyên về quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp tại Đại học York (Canada) cho rằng, để có thể khắc phục trên diện rộng với các tổn thất sau thiên tai, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần tập trung xác định quy mô thảm họa để mau chóng biết được những gì cần làm ngay, ưu tiên cao nhất công tác quản lý tình trạng khẩn cấp và cứu hộ cứu nạn. “Thời gian là vấn đề cốt tử trong việc cứu hộ những người này”, ông Rozdilsky nói; đồng thời lưu ý tình huống hiện nay có lẽ sẽ rất cần các nước khác triển khai các nhóm tìm kiếm cứu hộ chuyên tác nghiệp ở khu vực đô thị đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Cũng theo ông Rozdilsky, nỗ lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cần phải mau chóng tới được trước thời điểm cuối tuần này. “Ngay lúc này, mối lo lớn của chúng ta là nguy cơ về cái gọi là tình trạng khẩn cấp nhân đạo phức tạp. Nó gồm nhiều yếu tố đan xen như xã hội, y tế, kinh tế và chính trị trong cuộc khủng hoảng này. Tất cả những yếu tố đó kết hợp với nhau sẽ khiến cho việc quản lý tình hình sau thảm họa trở nên phức tạp hơn”, ông nói. Đến nay, hơn 60 quốc gia đã cam kết hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất, bao gồm cả viện trợ nhân đạo.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.