Quốc tế
Nhiều nước châu Âu trước "thử thách đường phố"
Từ đầu năm nay, nhiều nước châu Âu phải đối diện với nhiều cuộc biểu tình, đình công quy mô lớn của các nghiệp đoàn đòi yêu sách cải thiện việc làm và phản đối chính sách về lương hưu của chính phủ. Làn sóng đình công, biểu tình rộng khắp làm tê liệt hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội ở các nước.
Pháp đang đối mặt nhiều cuộc đình công diện rộng nhằm phản đối chủ trương cải cách lương hưu mà chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng. Ngày 8-2, CGT - tổ chức công đoàn lớn nhất của Pháp cho biết, số lượng người tham gia đợt biểu tình thứ 3 đã vượt mốc 2 triệu. Các tổ chức công đoàn khác còn kêu gọi làn sóng biểu tình mạnh mẽ vào ngày 11-2. Giao thông đường sắt bị gián đoạn nghiêm trọng do ảnh hưởng của đình công. Hơn 33% số tàu cao tốc, cũng như một nửa số chuyến tàu ở các khu vực và liên tỉnh bị hủy bỏ. Theo Công ty điện lực đa quốc gia của Pháp (EDF), hơn 30% nhân viên đình công vào trưa 7-2, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất điện.
Trong diễn biến khác, rạng sáng 8-2, các nông dân Pháp lái hàng trăm máy kéo vào Paris để phản đối hạn chế đối với thuốc trừ sâu và chính sách về môi trường mà họ cho là đang đe dọa sản xuất nông nghiệp ở quốc gia có ngành nông phát triển nhất Liên minh châu Âu (EU). Động thái này diễn ra sau khi các nhà lập pháp EU đưa ra phán quyết đảo ngược chính sách vốn cho phép những hộ trồng củ cải đường được sử dụng một loại thuốc trừ sâu bị cấm. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng loại củ này sẽ giảm trong khi nhiều nhà máy đường có thể đóng cửa.
Tương tự, tại Anh, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát gần 11%, mức cao nhất trong 4 thập niên qua, làn sóng đình công bùng phát trên diện rộng với sự tham gia của nhân viên ngành y tế, ngành vận tải và người lao động tại các kho hàng của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon và nhân viên công ty bưu chính Royal Mail. Điển hình là cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử 75 năm của cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) diễn ra vào ngày 6-2 do tranh chấp về tiền lương ngày càng leo thang.
NHS, vốn là niềm tự hào của hầu hết người Anh, đang chịu áp lực nặng nề với hàng triệu bệnh nhân trong danh sách chờ phẫu thuật và hàng ngàn người mỗi tháng không được tiếp cận y tế khẩn cấp kịp thời. Công đoàn Hiệp hội điều dưỡng hoàng gia (RCN) cho biết, chỉ riêng năm 2022, khoảng 25.000 y tá bỏ việc, dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng. RCN ban đầu yêu cầu tăng lương 5% so với lạm phát và sau đó cho biết có thể đáp ứng Chính phủ “nửa chừng” nhưng cả hai bên không đạt thỏa thuận sau nhiều tuần đàm phán. Trong khi đó, khoảng 500.000 lao động Anh, nhiều người từ khu vực công, đã đình công kể từ mùa hè năm ngoái, gây thêm áp lực lên Thủ tướng Rishi Sunak trong việc giải quyết tranh chấp và hạn chế gián đoạn dịch vụ công cộng.
Ngày 15-1, hàng chục nghìn nhân viên y tế biểu tình tại trung tâm Madrid (Tây Ban Nha) để yêu cầu chính quyền địa phương cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Khoảng 30.000 người đã phủ kín đại lộ chính chạy qua bảo tàng El Prado như một phần của sự kiện cuộc biểu tình “Thủy triều trắng”. Tại Đức, khoảng 300 chuyến bay tại sân bay BER (Berlin) bị hủy hoặc bị hoãn do nhân viên đình công đòi tăng lương, ảnh hưởng tới lịch trình đi lại của khoảng 35.000 hành khách.
Vòng xoáy bất ổn về kinh tế-địa chính trị tác động không nhỏ đến việc làm và đời sống của người dân chính là nguy cơ dẫn đến các vụ đình công, biểu tình liên tiếp xảy ra. Đây thực sự là “thử thách đường phố” của chính phủ nhiều nước châu Âu vì nguy cơ đường phố “im lặng đáng sợ”, hoặc nhanh chóng biến thành bạo loạn kinh hoàng như đã từng xảy ra trước đây ở Paris và Madrid sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho đất nước. Việc tìm giải pháp cho những vấn đề này càng trở nên bức thiết và đây đang là bài toán nan giải làm đau đầu nhiều chính phủ.
TUYẾT MINH