Quốc tế
Tổng thống Ukraine tới châu Âu tìm kiếm sự hỗ trợ
Sau khi đến Anh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Pháp, Bỉ để tìm kiếm sự hỗ trợ, nhất là các loại vũ khí. Không ngạc nhiên khi Moscow đã phản ứng mạnh trước diễn biến này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tổ chức họp báo tại doanh trại quân sự ở hạt Dorset (Anh) ngày 8-2. Ảnh: Reuters |
Tại Anh, ông Zelensky thuyết phục các nghị sĩ nước này hỗ trợ không quân Ukraine bằng việc cung cấp cho họ các máy bay chiến đấu hiện đại. Không chỉ đến Anh, ông Zelensky cũng tới Paris (Pháp) để ăn tối cùng hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức trong ngày 8-2 và tới Brussels (Bỉ) ngày 9-2 để dự hội nghị thượng đỉnh bất thường các nhà lãnh đạo EU. Không khó để nhận ra trong các phát biểu gần đây, thông điệp được giới lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh nhiều nhất là tính cấp bách của chiến sự hiện nay. Kiev cho rằng, Moscow sẽ mở rộng chiến dịch quân sự với loạt trận tấn công quy mô lớn khi thời điểm kỷ niệm tròn một năm xảy ra xung đột (ngày 24-2).
Lần này cũng vậy, trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Paris, ông Zelensky nói: “Chúng tôi có rất ít thời gian. Tôi đang nói về việc những vũ khí cần thiết cho hòa bình. Pháp và Đức có tiềm năng sẽ là những nhân tố làm thay đổi cục diện tình hình. Chúng tôi càng sớm nhận được các vũ khí tầm xa hạng nặng và các phi công của chúng tôi càng sớm nhận được các máy bay chiến đấu hiện đại… thì xung đột sẽ càng chấm dứt nhanh”, ông Zelensky khẳng định.
Theo Independent, trong cuộc họp báo chung ngày 8-2 với ông Zelensky, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine đã là một phần nội dung trong cuộc trò chuyện. Văn phòng chính phủ Anh xác nhận, ông Sunak đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xem xét những loại máy bay nào Anh có thể cấp cho Ukraine. Trước đó cùng ngày, cơ quan này cũng thông báo Anh sẽ bắt đầu huấn luyện cho các phi công thuộc lực lượng không quân Ukraine như một phần trong chiến lược lâu dài để bảo vệ cho tương lai của Kiev.
Nga cảnh báo hậu quả
Trong thông cáo được nhiều cơ quan thông tấn nhà nước Nga dẫn lại ngày 8-2, Đại sứ quán Nga tại London (Anh) cho biết, nếu Anh gửi chiến đấu cơ cho Ukraine, sẽ có những hậu quả về quân sự cũng như chính trị với châu Âu và toàn thế giới. “Nga sẽ tìm phương thức để phản ứng với bất cứ hành động không thân thiện nào của Anh”, thông cáo nêu. Đại sứ quán Nga tại London cũng gọi chuyến đi Anh của ông Zelensky lần này là “hành động hấp tấp” hay “một sự kiện gây quỹ”.
Trong cuộc họp với các quan chức quân sự hôm 7-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định: “Mỹ và các đồng minh của họ đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột càng lâu càng tốt. Để làm như vậy, họ đã bắt đầu cung cấp các loại vũ khí tấn công, công khai hối thúc Ukraine chiếm giữ các lãnh thổ của chúng ta. Trên thực tế, những bước đi này đang kéo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào xung đột và có thể dẫn tới mức độ leo thang không thể đoán trước”. Theo Reuters, Moscow đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và liên minh quân sự NATO đã đóng vai trò trực tiếp trong cuộc xung đột với việc cung cấp vũ khí cho Kiev, đồng thời cảnh báo những vũ khí từ NATO là những mục tiêu tấn công hợp pháp của lực lượng vũ trang Nga.
Trong năm nay, các nước phương Tây đã tăng cường các cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine với những lời hứa cấp xe tăng và xe bọc thép cùng các loại vũ khí tầm xa. Tuy nhiên tới nay, họ vẫn từ chối cấp cho Ukraine các loại máy bay chiến đấu hiện đại do phương Tây sản xuất. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói sẽ không gửi máy bay F-16 cho Ukraine, giới chức Anh cũng nói các máy bay của họ sẽ tốn quá nhiều thời gian huấn luyện sử dụng nên không hữu ích vào thời điểm này. Hiện tại, Pháp và Ba Lan là hai trong số các nước đang để ngỏ khả năng hỗ trợ máy bay chiến đấu cho Kiev nếu đó là quyết định chung của phương Tây.
Từ khi xung đột bùng nổ, Mỹ đã gửi số viện trợ quân sự tổng trị giá hơn 20 tỷ USD cho Ukraine. Reuters cho biết Mỹ dự kiến công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 2,65 USD trong những ngày tới, bao gồm các tên lửa mới có tầm bắn gấp đôi so với những tên lửa đã gửi cho Ukraine năm ngoái. Với tầm bắn này, mọi tuyến đường tiếp tế của Nga trong vùng đại lục của Ukraine cũng như nhiều khu vực thuộc bán đảo Crimea sẽ nằm trong phạm vi có thể bị tấn công.
TRẦN ĐẮC LUÂN