Quốc tế
Phân cực kinh tế gia tăng ở Mỹ
Global Times gần đây công bố báo cáo về sự thật đằng sau sự phân cực kinh tế ngày càng tăng ở Mỹ khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở cường quốc này. Vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do tác động của Covid-19 và các yếu tố khác, đồng thời tiếp tục tác động đến kết cấu xã hội Mỹ.
Theo báo cáo “Sự phân cực kinh tế đang gia tăng ở Mỹ: Sự thật và thực tế”, tình trạng phân cực kinh tế thể hiện rõ rệt khi chỉ 1% hộ gia đình Mỹ nắm giữ hơn 20% tài sản hộ gia đình của nước này. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hệ số Gini đo lường sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Mỹ đã tăng từ 0,353 năm 1974 lên 0,415 vào năm 2019, vượt mức cảnh báo 0,4, cho thấy khoảng cách thu nhập rất lớn.
Hiện, Mỹ đang chứng kiến tình trạng mất việc làm hàng loạt và tình hình kinh tế của những người có thu nhập thấp ngày càng xấu đi trong giai đoạn hậu Covid-19. Vài tháng gần đây, các công ty công nghệ lớn như Amazon, IBM, Microsoft hay Google đã cho hàng chục nghìn nhân viên nghỉ việc và thực hiện đợt sa thải lớn chưa từng có. Kinh tế Mỹ đang trải qua những tháng ngày biến động lớn, với sự xáo trộn chưa từng thấy trên thị trường lao động. Tình trạng mất việc làm trên diện rộng, đặc biệt trong ngành công nghệ, có thể là tín hiệu về một sự thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế số một thế giới. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số người nghỉ việc, hoặc bị sa thải, trong năm 2022 tại nước này lên tới hơn 14 triệu lao động. Các báo cáo khác cho thấy khoảng 36% người lao động Mỹ dự định nghỉ việc trong năm 2023.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu và nhà đất tăng cao khiến những người sở hữu tài sản càng giàu có hơn. Báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về tài sản hộ gia đình cho biết, tổng tài sản của 1% số người giàu nhất nước Mỹ đạt mức kỷ lục 45.900 tỷ USD vào cuối quý 4 - 2021 và tài sản của họ đã tăng hơn 12.000 tỷ USD trong đại dịch.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn cũng khiến tầng lớp trung lưu bị thu hẹp lại. Tạp chí Fortune dẫn phân tích từ Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 61% người trưởng thành ở Mỹ được coi là tầng lớp trung lưu vào năm 1971 nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 50% vào năm 2021. Tầng lớp trung lưu, chủ yếu là người Mỹ da trắng, bị thu hẹp dẫn đến căng thẳng giữa các chủng tộc ở Mỹ. Theo GS Li Haidong thuộc Viện Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc, vấn đề này đã dẫn đến chủ nghĩa dân túy ngày càng gia tăng ở Mỹ, tạo ra sự đối kháng giữa các nhóm chủng tộc khác nhau, tạo cơ hội cho các chính trị gia cực đoan ủng hộ chủ nghĩa dân túy, từ đó dẫn đến sự gia tăng các vụ bạo lực cực đoan.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến khủng hoảng xã hội ngày càng sâu sắc ở Mỹ. Xung đột sắc tộc, tình trạng vô gia cư, bạo loạn và tội phạm bạo lực đều có liên quan chặt chẽ với khoảng cách giàu nghèo. Do sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, các cuộc biểu tình thường xuyên nổ ra ở Mỹ trong những năm gần đây, trong đó một số cuộc biểu tình thậm chí đã biến thành bạo lực.
Lục đục và những thay đổi liên tục trong chính phủ dẫn đến những bước ngoặt trong chính sách của Mỹ. Mặc dù chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng sự cạnh tranh giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về thuế khiến việc đánh thuế một cách hiệu quả đối với người giàu thất bại. Theo báo cáo của hãng tin ProPublica, mức thuế thực sự của những người giàu tại Mỹ chỉ 3,4%, thấp hơn nhiều so với mức thuế của những người làm công ăn lương bình thường.
NGHI VĂN