Quốc tế
Tầm vóc của nền kinh tế Ấn Độ
Kể từ năm 2015, Ấn Độ dẫn trước Brazil, Anh, Nga, Ý và Pháp về GDP và hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển dịch nhanh chóng, những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách theo hướng thúc đẩy đầu tư, cùng với lợi thế về nhân khẩu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đã thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ vươn lên mạnh mẽ.
Ấn Độ sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô ở Ấn Độ. Ảnh: Autocarpro.in |
Tháng 1-2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) coi Ấn Độ là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Ấn Độ đang ở vị trí tốt hơn để ứng phó với những “cơn gió ngược” toàn cầu so với nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, ngày 23-2, ông Deepak Bagla, Giám đốc quản lý, điều hành Cục xúc tiến và tạo thuận lợi đầu tư quốc gia, dự báo Ấn Độ sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.
Theo ông Bagla, GDP của Ấn Độ hiện ước đạt 3.500 tỷ USD. Như vậy, Ấn Độ đã mất 67 năm để đạt được 1.000 tỷ USD đầu tiên và 8 năm tiếp theo để nâng con số này lên 2.000 tỷ USD và tăng thêm 1.000 tỷ USD chỉ trong 5 năm qua. Trong đó, 2/3 GDP của Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và hiện cầu đang vượt quá cung. Ngoài ra, dân số trong độ tuổi lao động đang tăng lên mạnh mẽ mang đến cơ hội tăng trưởng lâu dài hơn.
Ấn Độ đang trải qua quá trình chuyển đổi chưa từng có trong lịch sử ở quy mô và tốc độ thử nghiệm trong tất cả lĩnh vực trong khi vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trước cũng như sau Covid-19. Chẳng hạn, kể từ năm 1947, Ấn Độ đã thu hút 950 tỷ USD vốn FDI, trong đó 532 tỷ USD được ghi nhận trong 90 tháng qua từ 162 quốc gia. Trong 8 năm liên tiếp gần đây, Ấn Độ luôn lập kỷ lục mới về thu hút FDI mỗi năm. Lượng vốn FDI được ghi nhận trong 61 lĩnh vực ở 31 bang và vùng lãnh thổ liên bang, qua đó xác lập kỷ lục toàn cầu, cho thấy sự tăng trưởng toàn diện của nước này.
Về chuyển đổi số, năm 2022, Ấn Độ ghi nhận 41% trong tổng số giao dịch kỹ thuật số theo thời gian thực trên thế giới, đứng thứ nhất về số lượng giao dịch (48 tỷ giao dịch), bỏ xa nước đứng thứ hai là Trung Quốc (18 tỷ giao dịch). Về công ty khởi nghiệp, chỉ tính từ năm 2016, nước này đứng đầu về số lượng công ty khởi nghiệp mới mỗi ngày, thứ hai về số lượng công ty khởi nghiệp và thứ ba về số lượng “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên). Năm 2022, cứ 9 ngày, Ấn Độ lại thêm một “kỳ lân”.
Theo Công ty dịch vụ tài chính S&P Global, kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ chính sách tự do hóa thương mại và tài chính, cải cách thị trường lao động, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực đưa đất nước trở thành trung tâm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và một cường quốc sản xuất. Một trong những công cụ chính để đạt được mục tiêu đó là Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLIS), qua đó thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đánh giá, Ấn Độ có điều kiện sẵn sàng cho sự bùng nổ kinh tế, được thúc đẩy bởi hoạt động thuê ngoài, đầu tư vào sản xuất, quá trình chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến của đất nước. Những động lực này sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế và thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới trước cuối thập niên này. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, Ấn Độ trở thành một trong số ít những điểm sáng tương đối từ góc độ chính trị, địa chiến lược và thị trường trong khi châu Âu phải đối diện thêm nhiều khó khăn. Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi để Ấn Độ sẵn sàng vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong thời gian tới.
TUYẾT MINH