Quốc tế
Anh - Pháp cùng giải bài toán di cư
Làn sóng người nhập cư bất pháp, nhất là từ Pháp vượt eo biển Manche vào Anh, đã trở thành vấn đề gai góc không chỉ trong nội bộ của Anh mà còn là mối bất đồng sâu sắc giữa London với Paris trong nhiều năm qua.
Để ngăn chặn hiệu quả dòng người di cư bất hợp pháp, chính quyền Thủ tướng Anh Rishi Sunak tập trung vào hai vấn đề trọng tâm. Trước hết là ban hành dự luật cấm tất cả người nhập cư bất hợp pháp vào Anh được xin tị nạn tại nước này, đồng thời không được quyền nhập cảnh vào nước này sau này. Chỉ những người dưới 18 tuổi và đang mắc bệnh đến Anh bằng thuyền nhỏ được phép xin tị nạn. Ngoài ra, những người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị bắt giữ và không được quyền nhận bảo lãnh hoặc đánh giá tư pháp trong 28 ngày kể từ khi bị bắt giữ. Bộ trưởng Nội vụ Anh chịu trách nhiệm đưa những người nhập cư bất hợp pháp rời nước Anh càng sớm càng tốt.
Giới chức Anh khẳng định, dự luật tuân thủ luật pháp quốc tế và cho thấy cách tiếp cận đổi mới và linh hoạt của chính phủ trong lúc tình trạng nhập cư bất hợp vào nước này đã vượt quá giới hạn và trở thành một phần của cuộc khủng hoảng di cư vô cùng nghiêm trọng ở mức độ toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra đối với chính phủ Anh là cách giải quyết đối với những người tị nạn bất hợp pháp đã đến Anh trước đó và giờ đây họ sẽ bị bắt giữ theo luật mới. Trong khi đó, việc nhanh chóng đưa những người này trở về quê hương hoặc tới một nước thứ ba không hề đơn giản.
Đi đôi với tăng cường biện pháp mạnh mẽ từ trong nước, việc hợp tác với các quốc gia liên quan để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp là một trong những mục tiêu ưu tiên của chính phủ Anh. Sau quá trình đàm phán rất phức tạp, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận lịch sử “Khuôn khổ Windsor” nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan tới quy định thương mại áp dụng cho khu vực Bắc Ireland giai đoạn hậu Brexit. Đây được coi là động lực mạnh hơn giúp khôi phục lòng tin và thắt chặt quan hệ giữa Anh với EU, cũng như với Pháp nói riêng.
Đáng chú ý, cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10-3 tạo cơ hội để quan hệ đồng minh London - Paris xích lại hơn nữa sau hàng loạt sóng gió, căng thẳng trong giai đoạn hậu Brexit, qua đó giúp giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, trong đó có tình trạng người di cư bất hợp pháp. Tại hội nghị, Thủ tướng Sunak cam kết Anh sẽ chi trả cho Pháp 480 triệu bảng (577 triệu USD) trong vòng 3 năm tới để ngăn chặn người di cư vượt qua eo biển Manche, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuần tra tăng cường, sử dụng máy bay không người lái và vận hành các trung tâm tạm giữ người di cư trái phép. London cũng sẽ hỗ trợ tài chính vận hành trung tâm tạm giữ người di cư ở Pháp, trong khi đó Paris sẽ triển khai thêm nhân viên và nâng cấp công nghệ tuần tra các bờ biển.
Thủ tướng Sunak khẳng định thỏa thuận mang tính đột phá giúp nâng hoạt động phối hợp song phương lên cấp độ cao nhất từ trước tới nay. Tổng thống Macron nhấn mạnh, đã đến lúc hai nước nên có khởi đầu mới trong hợp tác chống nhập cư bất hợp pháp và cần có thỏa thuận tương tự giữa Anh với EU về vấn đề này. Thực tế, EU quy định yêu cầu người nhập cư phải trở về quốc gia an toàn đầu tiên trong khối mà họ đặt chân đến để xin tị nạn tại đó. Theo luật Brexit, Anh không còn nằm trong các quy định đó và điều này khiến cho việc trục xuất người di cư trở về nơi xuất phát gặp khó khăn hơn. Nhưng dù gì đi chăng nữa, một khi các vấn đề gai góc lớn được khai thông thì Anh cũng sẽ từng bước tìm được tiếng nói chung với EU để hóa giải những vật cản nhằm ngăn chặn hiệu quả người di cư bất hợp pháp.
TUYẾT MINH