Quốc tế

Trung Quốc kiện toàn bộ máy lãnh đạo mới

09:15, 13/03/2023 (GMT+7)

Sau khi bầu ông Lý Cường (63 tuổi) làm Thủ tướng Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, sáng 12-3, kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV tiếp tục biểu quyết thông qua đề cử một loạt vị trí lãnh đạo cấp cao khác, gồm 4 phó thủ tướng. Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo mới cho thấy Trung Quốc đang tìm cách định hướng quá trình phục hồi kinh tế sau Covid-19 để bước vào hành trình hiện đại hóa đất nước.

Ông Lý Cường tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc ngày 11-3. Ảnh: Reuters
Ông Lý Cường tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc ngày 11-3. Ảnh: Reuters

Theo giới thiệu của tân Thủ tướng Lý Cường và quyết định của Quốc hội Trung Quốc ngày 12-3, chính phủ mới có 4 phó thủ tướng gồm Đinh Tiết Tường, Hà Lập Phong, Trương Quốc Thanh và Lưu Quốc Trung. Trong số các ủy viên Quốc vụ viện đáng chú ý là ông Tần Cương làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông Lý Thượng Phúc làm Bộ trưởng Quốc phòng và ông Vương Tiểu Hồng làm Bộ trưởng Công an.

Trước đó, ngày 11-3, ông Lý Cường được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc, nhân vật quyền lực thứ hai trong hệ thống chính trị nước này và là người chịu trách nhiệm chính về vận hành kinh tế. Trong bối cảnh Bắc Kinh mở cửa trở lại với thế giới sau 3 năm theo đuổi nghiêm ngặt chính sách “zero-Covid” và quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, vai trò mới của ông Lý Cường càng được chú ý.

Theo South China Morning Post, ông Lý Cường là người có tầm nhìn cải cách kinh tế, tư duy thực tế và tư tưởng cởi mở với cộng đồng doanh nghiệp. Dù trở thành thủ tướng mà chưa từng trải qua vị trí phó thủ tướng nhưng Thủ tướng Lý Cường có kinh nghiệm lãnh đạo các tỉnh, thành có nền kinh tế phát triển hàng đầu đất nước như Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải. Straight Times dẫn lời PGS.TS Zafar Momin từ Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Là người thân cận nhất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, ông Lý Cường có thể hoàn toàn được tin tưởng để thực hiện chương trình nghị sự kinh tế và ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ngoài ra, 4 phó thủ tướng mới đều được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc tự lực về công nghệ khi đối mặt với các lệnh trừng phạt chip bán dẫn của Mỹ và hiện thực hóa mục tiêu phát triển nước này thành siêu cường công nghệ.

2023 được xác định là năm đầu tiên thực hiện tinh thần Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng tới mục tiêu xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc nhậm chức đúng vào thời điểm nước này đang đối mặt với môi trường phức tạp ở cả trong và ngoài nước. Theo Global Times, nội các mới dưới sự dẫn dắt của ông Lý Cường sẽ phải xử lý một số thách thức, gồm vấn đề nợ công quá mức của các tỉnh, năng suất tăng trưởng thấp, tình trạng già hóa dân số, căng thẳng ngày càng gia tăng với các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)…

Tuần trước, Trung Quốc thông báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khiêm tốn 5%, cho thấy nước này không còn đơn thuần ưu tiên mở rộng quy mô nền kinh tế, mà hướng đến phát triển ổn định với tầm nhìn dài hạn. Do vậy, chương trình nghị sự chính của chính phủ mới sẽ tập trung đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng sau Covid-19, đồng thời thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư từ những “gã khổng lồ” công nghệ đến các nhà phát triển bất động sản. Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện hàng loạt cải cách ở nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó, đổi mới khoa học công nghệ nằm ở vị trí trung tâm của quá trình hiện đại hóa đất nước; đồng thời thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng quan trọng như kinh tế kỹ thuật số và năng lượng mới.

THƯ LÊ

.