Quốc tế

Bước đột phá trong bảo vệ đa dạng sinh học

09:29, 07/03/2023 (GMT+7)

Các nhà đàm phán từ hơn 100 quốc gia đã hoàn tất nội dung Thỏa thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) sau 15 năm thương thảo. Đây là hiệp ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về bảo vệ đa dạng sinh học tại vùng biển quốc tế.

Dù biển chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt của trái đất nhưng chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Trong khi đó, vùng biển quốc tế chịu hàng loạt áp lực trong nhiều thập niên; trong đó, đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa hàng đầu đối với đa dạng sinh học biển.

Theo số liệu của LHQ, các đại dương hấp thụ khoảng 25% khí thải CO2 (ngay cả khi khí thải tăng tới 50% trong 60 năm qua) khiến nước biển bị axít hóa, đe dọa chuỗi thức ăn trong lòng đại dương và làm giảm khả năng hấp thụ carbon của các đại dương.

Ngoài ra, do các đại dương cũng hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu nên các đợt sóng nhiệt xuất hiện ngày càng nhiều khiến nhiều rạn san hô quý chết đi và gia tăng những vùng biển chết do thiếu ôxy. Cá mập ở đại dương đã giảm hơn 70% kể từ năm 1970. Các mối đe dọa mới đối với sinh vật biển cũng đang xuất hiện khi con người tìm đến đại dương để khai thác các khoáng sản có giá trị.

Bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước LHQ về đa dạng sinh học cho rằng, Covid-19 đã chứng minh đa dạng sinh học không chỉ quan trọng đối với con người, mà còn đối với việc bảo vệ trái đất. Bà Mrema nhấn mạnh, thế giới đang mong chờ hành động khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên cũng là để bảo đảm con đường chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

BBNJ là hiệp ước quốc tế đầu tiên mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030. Theo Reuters, hiệp ước sẽ mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm bảo tồn và bảo đảm sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển. Chẳng hạn, một khi có hiệu lực, hiệp ước sẽ cho phép lập khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế.

Các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là bước đột phá trong nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học. Bà Laura Meller, nhà vận động bảo vệ đại dương của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace nói: “Đây là ngày lịch sử đối với bảo tồn và là một tín hiệu cho thấy trong một thế giới chia rẽ, bảo vệ thiên nhiên và con người có thể chiến thắng tư duy địa chính trị”.

Theo tổ chức Greenpeace, để đạt được mục tiêu sáng kiến 30x30, từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm thế giới cần bảo vệ 11 triệu km2 đại dương. Thực tế, rất ít các vùng biển được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn. Do đó, bà Meller kêu gọi các nước cần nhanh chóng thông qua hiệp ước, cũng như phê chuẩn càng sớm càng tốt để văn kiện này có hiệu lực, qua đó mang lại sự bảo vệ bền vững cho đại dương.

Trong khi đó, bà Virginijus Sinkevičius, ủy viên châu Âu về môi trường, đại dương và ngư nghiệp, mô tả việc thông qua thỏa thuận là “thời khắc lịch sử đối với đại dương” và là đỉnh cao của hơn một thập niên làm việc và đàm phán quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh hiệp ước và coi đây là chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại xu hướng hủy diệt
đại dương.

TUYẾT MINH

.