Quốc tế

Thế giới tuần qua: Xung đột ở Ukraine leo thang, Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc

08:00, 05/03/2023 (GMT+7)

Tuần qua nổi lên một số vấn đề nóng như: Xung đột Nga - Ukraine nguy cơ leo thang; Mỹ tăng cường trừng phạt các thực thể Trung Quốc; căng thẳng Serbia-Kosovo vẫn âm ỉ; vấn đề ứng dụng AI lại nóng lên và Lưỡng hội Trung Quốc họp bàn nhiều vấn đề quan trọng.

Phương Tây đang tăng cường hỗ trợ đạn pháo cho Ukraine trong bối cảnh giao tranh với Nga tiếp tục leo thang. Ảnh: AFP/TTXVN
Phương Tây đang tăng cường hỗ trợ đạn pháo cho Ukraine trong bối cảnh giao tranh với Nga tiếp tục leo thang. Ảnh: AFP-TTXVN

Xung đột ở Ukraine nguy cơ leo thang

Trong tuần, giao tranh Nga - Ukraine không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là sau các cuộc tấn công của các lực lượng Ukraine vào lãnh thổ Nga. Tờ Vedomosti (Nga) ngày 3-3 dẫn lời của Tổng thống nước này Vladimir Putin gọi cuộc tấn công vào khu vực biên giới của Bryansk với Ukraine là "hành động khủng bố".

Nguồn tin trên cho biết, một nhóm vũ trang Ukraine đã vượt qua biên giới và tấn công hai ngôi làng ở khu vực phía Tây, khiến 2 người thiệt mạng. Theo các chuyên gia được tờ Izvestia phỏng vấn, mục tiêu chính của cuộc tấn công là chiến tranh tâm lý và Nga chuẩn bị đáp trả.

Theo Vedomosti, các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đã gia tăng trong bối cảnh thiếu những chiến thắng quan trọng trên tiền tuyến gần đây. Trước đây, không có báo cáo nào về các cuộc tấn công của những nhóm vũ trang Ukraine, nhưng trong vài ngày qua, các nhà chức trách Nga đã ghi nhận các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở các khu vực của Nga với mức độ thành công khác nhau.

Trong khi đó, tờ Pravda của Ukraine (pravda.com.ua) đưa tin, các lực lượng Nga đã triển khai pháo binh để bắn phá khu vực Nikopol vào rạng sáng 4-3, gây ra một số thiệt hại. Tại điểm nóng Bakhmut, Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết tình hình ở mặt trận này đang "rất khó khăn, nhưng trong tầm kiểm soát".

"Bakhmut đã là một điểm nóng trong bốn tháng qua. Tình hình rất khó khăn, nhưng chúng tôi hiểu rằng đây là vùng lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi phải bảo vệ. Những trận chiến khốc liệt nhất đang ở đó. Tình hình vô cùng phức tạp và khó khăn, nhưng đã được kiểm soát", ông Danilov nói.

Trận chiến giành quyền kiểm soát Bakhmut, một thành phố công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược, đã diễn ra từ mùa hè năm ngoái và dẫn đến sự tổn thất lớn, gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Trong những tuần gần đây, các lực lượng Nga đã tiến về phía Bắc và Nam Bakhmut, cắt đứt 3 trong số 4 tuyến đường tiếp tế của Ukraine và khiến vị trí của lực lượng phòng thủ ngày càng trở nên bấp bênh.

Trong bối cảnh giao tranh trên, phương Tây tiếp tục tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3-3 thông báo sẽ gửi một gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine. Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, gói viện trợ gồm đạn pháo 155 mm và 125 mm, đạn pháo tự động 25 mm, đạn cho Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), cầu dã chiến, đạn phá hủy và thiết bị sửa chữa.

Từ khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mỹ đã gửi cho Kiev số vũ khí trị giá hơn 32 tỷ USD, trong số quỹ hơn 110 tỷ USD mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden phân bổ để viện trợ quân sự và kinh tế.

Cũng trong một kế hoạch chi tiết mới về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, EU đề xuất dành riêng 1 tỷ euro cho đạn dược, đặc biệt là đạn pháo 155mm. Cho đến nay, nhu cầu chi tiêu đã được xác định nhưng EU hiện đang tập trung nhiều vào đạn dược, vì các lực lượng Ukraine đang bị mắc kẹt trong các trận chiến tiêu hao bằng lựu pháo với lực lượng của Nga ở miền đông, xung quanh các thành phố điểm nóng như Bakhmut.

EU đang hỗ trợ quân sự cho Ukraine thông qua một quỹ tiền mặt liên chính phủ ngoài ngân sách có tên là Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), được sử dụng để hoàn trả cho các quốc gia gửi vũ khí sang Ukraine. Cho đến nay, EPF đã giải ngân 3,6 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine, với các quốc gia thành viên đã quyết định vào tháng 12 năm ngoái để tăng tài trợ thêm 2 tỷ euro vào năm 2023.

Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không thay đổi được kết cục. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo rằng sự can dự ngày càng sâu của phương Tây cũng làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ.

Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc cấm TikTok. Ảnh: Reuters
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc cấm TikTok. Ảnh: Reuters

Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc, đồng thời lôi kéo các đồng minh tham gia. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2-3 đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu với các công ty Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia. Khi bổ sung 28 công ty và cá nhân Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ cho biết các công ty này đặt ra một loạt rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn. Các mối đe dọa an ninh khác được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra bao gồm các khoản đóng góp cho chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan và thiết bị giám sát cho quân đội Myanmar đang bị một số nước phương Tây trừng phạt.

Những công ty được đưa vào danh sách trừng phạt lần này có các công ty con của công ty di truyền học Trung Quốc BGI, công ty điện toán đám mây Inspur, công ty vận tải hàng không AIF Global Logistics và một số công ty điện tử.

Trước đó vào hôm 27-2, Nhà Trắng cũng ban hành lệnh cấm đối với Tiktok của Trung Quốc, thông báo rằng các cơ quan trực thuộc có 30 ngày để xóa ứng dụng mạng xã hội này.

Bên cạnh đó, theo hãng tin Reuters ngày 2-3, Mỹ cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh đối với các lệnh trừng phạt tiềm tàng đối với Trung Quốc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo đó, Mỹ đang thông báo với các đồng minh thân cận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ quân sự cho Moskva liên quan đến xung đột ở Ukraine. Các cuộc tham vấn của Washington, vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ, nhằm thu hút sự ủng hộ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong G7, để phối hợp hỗ trợ đối với các hạn chế tiềm tàng. Hiện chưa rõ Washington sẽ đề xuất những biện pháp trừng phạt cụ thể nào.

Mỹ và các đồng minh đã nói trong những tuần gần đây rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà Bắc Kinh phủ nhận. Các trợ lý của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện vẫn chưa công khai cung cấp bằng chứng. Họ cũng đã trực tiếp cảnh báo Trung Quốc không làm như vậy, kể cả trong các cuộc gặp giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như trong cuộc gặp trực tiếp ngày 18-2 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và quan chức hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị an ninh toàn cầu tại Munich.

Căng thẳng Serbia-Kosovo vẫn âm ỉ

Trong tuần, Serbia và Kosovo đã cáo buộc nhau từ chối ký một kế hoạch do EU tài trợ nhằm bình thường hóa quan hệ sau nhiều tháng căng thẳng chính trị leo thang.

Hồi đầu tuần, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã ngầm chấp thuận kế hoạch của EU nhằm chấm dứt nhiều tháng khủng hoảng chính trị và giúp cải thiện quan hệ song phương. Phát biểu sau khi tổ chức các cuộc hội đàm tại Brussels giữa Tổng thống Vuvic và nhà lãnh đạo Kosovo Kurti, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết cả hai bên đã đồng ý “không cần thảo luận thêm” về văn bản do EU đề xuất.

Theo hãng tin Reuters, chỉ vài ngày sau, tất cả các bên dường như vẫn chưa đạt được một vấn đề quan trọng nhất: Họ chưa thực sự có một thỏa thuận nào. Ông Borrell đã cảnh báo rằng hai bên vẫn phải đồng ý về một phụ lục về việc thực hiện kế hoạch nhưng Cơ quan Hành động Đối ngoại EU đã đi trước một bước khi công bố văn bản của thỏa thuận cơ bản. Tuy nhiên, văn bản không được ký bởi các nhà lãnh đạo, do đó rõ ràng là không một bên tham gia chủ chốt nào có sự ràng buộc.

"Cả hai bên đã đồng ý với quan điểm như vậy (không tiếp tục thảo luận về văn bản cơ bản), nhưng điều này không có nghĩa là các bên đã chính thức chấp nhận thỏa thuận. Việc chấp nhận chỉ được thực hiện thông qua chữ ký của cả hai bên", ông Kurti nói hôm 2-3.

Về phần mình, ông Vucic nhấn mạnh rằng phía Serbia không ký bất kỳ văn bản nào cho đến khi thống nhất với bản phụ lục. Tổng thống Serbia cũng tuyên bố sẽ không ký bất cứ điều gì công nhận Kosovo "chính thức hoặc không chính thức" và sẽ không bao giờ đồng ý để Kosovo trở thành thành viên của Liên hợp quốc.

Gần đây, căng thẳng đã bùng lên vì những vấn đề có vẻ nhỏ nhặt như đổi biển số xe, hay việc bắt giữ một sĩ quan cảnh sát người Serbia của Kosovo. Các nước phương Tây đã lo ngại rằng căng thẳng có thể lan rộng thành một cuộc xung đột mới ở Balkan, nổ ra trong bối cảnh giao tranh Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai.

Vấn đề ứng dụng AI lại nóng lên với cuộc đua phát triển các đối thủ của ChatGPT

Tỷ phú Elon Musk đã gặp gỡ và thảo luận với một số chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) để thành lập phòng nghiên cứu mới. Đội ngũ này sẽ tập trung phát triển chatbot AI mới, cạnh tranh với ChatGPT. Ông Musk còn dự tính tuyển mộ Igor Babuschkin, nhà nghiên cứu vừa rời công ty AI DeepMind của tập đoàn Alphabet. Chuyên môn của ông này là các mô hình máy học đằng sau những chatbot như ChatGPT.

Không chỉ ông Musk, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cũng đang nghiên cứu mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình do e ngại thành công của OpenAI với ChatGPT. Với tên gọi "LLaMA" (Mô hình ngôn ngữ lớn Meta AI), dự án này muốn giải quyết các vấn đề hiện có của các công cụ AI hiện nay như thiên vị, lan truyền thông tin sai lệch.

Trong khi đó, Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca ngày 1-3 đã giới thiệu "cố vấn danh dự mới" của mình, một trợ lý trí AI tên là Ion mà ông ca ngợi là cố vấn AI đầu tiên trên thế giới. Thủ tướng Romania cho biết, đây sẽ là "thành viên mới nhất trong đoàn tùy tùng" của ông, một cấu trúc giống như gương với giao diện phát ra tiếng bíp, đã trở thành “cố vấn chính phủ đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo” trên thế giới.

Được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Romania, nhiệm vụ chính của Ion là quét các mạng xã hội để thông báo cho chính phủ theo thời gian thực về các đề xuất và mong muốn của người dân Romania. Ion sẽ sử dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để nắm bắt ý kiến trong xã hội bằng cách sử dụng dữ liệu có sẵn công khai trên mạng xã hội, theo một tài liệu của chính phủ nêu chi tiết về dự án. Mọi người dân ở Romania cũng sẽ có thể trò chuyện với Ion trên trang web của dự án.

Lưỡng hội Trung Quốc họp bàn nhiều vấn đề quan trọng

Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn Trung Quốc (Chính Hiệp) - cơ quan tư vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc - đã bắt đầu kỳ họp thường niên vào ngày 4-3 tại Bắc Kinh. Theo chương trình nghị sự, trong thời gian diễn ra kỳ họp từ ngày 4 - 11-3, các đại biểu Chính Hiệp (các cố vấn chính trị) sẽ lắng nghe và thảo luận báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Chính Hiệp Toàn quốc và báo cáo công tác về những đề xuất của các đại biểu. 

Các đại biểu Chính Hiệp cũng sẽ có mặt tại kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC, Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc khóa XIV) khai mạc vào ngày 5-3 với tư cách những người tham dự không biểu quyết, đồng thời sẽ lắng nghe và thảo luận một số báo cáo, trong đó có báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ nhất Chính Hiệp khóa XIV, bản điều lệ Chính Hiệp sửa đổi và nghị quyết chính trị về kỳ họp này sẽ được xem xét và thông qua. Việc bầu chọn ban lãnh đạo mới của Chính Hiệp cũng nằm trong chương trình nghị sự của kỳ họp dự kiến bế mạc vào chiều 11-3 này.

Về cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc, hãng tin Reuters ngày 4-3 dẫn lời người phát ngôn Quốc hội nước này Wang Chao, cho biết NPC sẽ thảo luận về kế hoạch cải cách các thể chế thuộc Chính phủ và xem xét dự thảo sửa đổi Luật Lập pháp. Cuộc họp kết thúc vào sáng ngày 13-3 này cũng sẽ xem xét một loạt báo cáo bao gồm báo cáo công tác chính phủ của thủ tướng.

Theo Báo Tin tức

.