Quốc tế

Bước tiến lịch sử trong việc bảo vệ đại dương

14:41, 08/03/2023 (GMT+7)

Sau hơn 15 năm đàm phán, cuối cùng vào tối 4-3 vừa qua, gần 200 quốc gia đã hoàn tất nội dung Thoả thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ). Đây được coi là bước tiến lịch sử trong việc bảo vệ đại đương.

Liên hợp quốc đạt được thoả thuận lịch sử về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển vào tối 4-3-2023. Ảnh: TTXVN
Liên hợp quốc đạt được thoả thuận lịch sử về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển vào tối 4-3-2023. Ảnh: TTXVN

Tài sản quan trọng bị “bỏ quên”

Thế giới có hai khu vực mà nhân loại sử dụng chung là bầu khí quyển và đại dương. Tuy nhiên, khi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực vào năm 1994, đa dạng sinh học biển không phải là một khái niệm được công nhận rộng rãi. Thông thường, các quốc gia chỉ được kiểm soát vùng biển và đáy biển kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của mỗi nước. Do vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước này, cho nên, sẽ không chịu sự kiểm soát hoặc luật pháp của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Vì vậy, cần có một khung pháp luật cập nhật để bảo vệ sinh vật biển ở vùng biển quốc tế. Hơn 20 năm qua, nhiều cuộc thảo luận liên quan đã diễn ra, nhưng những nỗ lực ấy không ít lần bị ngừng trệ.

Cho dù thế nào, chúng ta vẫn không thể phủ nhận vùng biển quốc tế đang chiếm tới gần một nửa hành tinh. Đây là nơi sinh sống của các loài trong chuỗi thức ăn, từ thực vật phù du đến cá mập trắng lớn. Phần lớn sinh vật biển như cá ngừ, cá hồi, rùa biển, cá voi… dành phần lớn cuộc đời của chúng ở vùng biển quốc tế. Bên cạnh đó, trong vài thập kỷ qua, đại dương đã hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng của thế giới, cung cấp môi trường sống cho các hệ sinh thái biển và vô số loài độc đáo, hỗ trợ nghề cá mà hàng tỷ người phụ thuộc vào và đóng vai trò là vùng đệm quan trọng chống lại khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên, các đại dương đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các hoạt động của con người, bao gồm đánh bắt cá, vận chuyển, khai thác khoáng sản dưới biển sâu và chạy đua khai thác tài nguyên đại dương. Biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của môi trường sinh thái biển. Nước ngày càng bị axit hóa đe dọa sự sống của các loài sinh vật biển.

Báo chí nhiều lần đưa tin rằng ở vùng biển quốc tế, vốn chiếm gần 2/3 diện tích đại dương trên thế giới, hiện chỉ có 1,2% được bảo vệ và chỉ 0,8% được bảo vệ ở mức độ cao. Số liệu mới nhất của Liên minh Bảo vệ tự nhiên thế giới cho thấy có gần 10% các loài sinh vật biển được phát hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thực tế này một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của hợp tác quốc tế trong bảo vệ các loài sinh vật biển.

Nói tóm lại, các đại dương không chỉ đóng vai trò là một nơi điều hòa khí hậu trên khắp hành tinh mà hàng tỷ người trên thế giới đang dựa vào đại dương để kiếm thức ăn và việc làm. Vì thế, theo nhiều nhiều chuyên gia, “việc bảo vệ nửa bề mặt Trái Đất này là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh chúng ta". Bà Liz Karan - Giám đốc Quản lý đại dương tại quỹ Pew Charitable Trusts cho rằng các đại dương là một phần quan trọng giúp Trái Đất trở thành nơi có thể sinh sống được, không chỉ đối với đa dạng sinh học biển mà còn đối với tất cả sự sống trên Trái Đất.

 Đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hoà. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Ngày lịch sử của bảo tồn biển

Sau hai tuần đàm phán tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ), vào tối 4/3, khoảng 200 nước trên thế giới đã đồng ý ký thoả thuận mang tính pháp lý để bảo vệ sinh vật biển ở các vùng biển quốc tế, mang tên Thoả thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ). Đây là kết quả của một quá trình bắt đầu từ khoảng hai thập kỷ trước. Vào năm 2004, Liên hợp quốc thành lập nhóm đặc biệt để thảo luận về việc bảo vệ đại dương. Đến năm 2015, tổ chức này đã thông qua nghị quyết phát triển thỏa thuận ràng buộc về đại dương và sau nhiều năm chuẩn bị, các cuộc đàm phán đã bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 2018. Nhiều người hy vọng rằng năm 2022 sẽ mang lại bước đột phá, nhưng các cuộc đàm phán vào tháng 8 năm ngoái - vòng thứ hai trong năm 2022 - đã kết thúc trong thất bại.

Cho nên, với việc đạt được BBNJ, bà Laura Meller, nhà vận động đại dương tại Greenpeace Nordic cho rằng "đây là một ngày lịch sử cho quá trình bảo tồn biển”. Về phần mình, Nichola Clark, một chuyên gia về đại dương tại Pew Charitable Trusts, người quan sát sâu sát các cuộc đàm phán ở New York, đã gọi thoả thuận được chờ đợi từ lâu là "cơ hội chỉ có một lần trong đời để bảo vệ các đại dương - một thắng lợi lớn cho đa dạng sinh học". Còn Bộ trưởng Môi trường, bảo tồn thiên nhiên, an toàn hạt nhân và bảo vệ người tiêu dùng Đức Steffi Lemke rất phấn khởi vì “cuối cùng thì chúng ta cũng có thể bảo vệ hoàn toàn các loài và môi trường sống có nguy cơ tuyệt chủng trên hơn 40% bề mặt hành tinh”.

Quả thực, BBNJ đã đưa ra công cụ pháp lý để thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học của đại dương. BBNJ cũng bao gồm các đánh giá môi trường, xem xét mức độ thiệt hại tiềm ẩn của các hoạt động thương mại, chẳng hạn như khai thác dưới biển sâu. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ rất quan trọng để đáp ứng các cam kết đa dạng sinh học toàn cầu được đưa ra tại COP15 - Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc tại Montreal (Canada) vào tháng 12 năm ngoái. Theo bà Monica Medina, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đại dương và các vấn đề khoa học, môi trường quốc tế, "thỏa thuận (BBNJ) thành công sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% đại đương toàn cầu vào năm 2030".

Theo Baotintuc.vn

.