Quốc tế

Mỹ - EU thảo luận về nước thứ ba hỗ trợ Nga

08:59, 04/03/2023 (GMT+7)

Theo các nguồn tin quốc tế, Mỹ đang trao đổi với đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) về việc trừng phạt các nước thứ ba hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Dự kiến vấn đề Ukraine sẽ là một trong các ưu tiên thảo luận trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng ngày 3-3 (giờ địa phương).

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2022 ở Đức. Ảnh: New York Times
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2022 ở Đức. Ảnh: New York Times

Giới chức Mỹ cho biết, các cuộc tham vấn với các đồng minh vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ. Mục đích là nhằm thu hút nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ủng hộ và phối hợp nếu phải áp đặt biện pháp trừng phạt bên thứ ba ủng hộ Nga. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ đề xuất những biện pháp trừng phạt cụ thể nào.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo của G7 ra tuyên bố chung cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các nước thứ ba hoặc các chủ thể quốc tế khác đang tìm cách trốn tránh hoặc làm suy yếu các biện pháp của chúng tôi phải ngừng cung cấp hỗ trợ vật chất cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine nếu không sẽ phải trả giá đắt”. Tuy nhiên, lúc đó, các nhà lãnh đạo G7 không chỉ ra bất kỳ quốc gia cụ thể nào có khả năng hỗ trợ Nga.

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 3-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Scholz và Tổng thống Biden sẽ bàn luận tình hình ở Ukraine. “Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn đây là cuộc làm việc nghiêm túc nhằm đi sâu phân tích mọi góc cạnh của vấn đề Ukraine”, một quan chức cấp cao Mỹ nói.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 2-3, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Trong bối cảnh những gì đang diễn ra ở Ukraine, tôi nghĩ chắc vấn đề hỗ trợ của bên thứ ba dành cho Nga sẽ được đưa ra bàn thảo”. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy cung cấp sự hỗ trợ mới của phương Tây cho các lực lượng Ukraine. Theo đó, Washington dự kiến công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Kiev nhân chuyến công du lần này của ông Scholz. 

Theo Reuters, chuyến thăm Mỹ của ông Scholz diễn ra đúng lúc Washington đang đánh tiếng với các đồng minh thân cận về khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, cả Washington và Berlin đều chưa công bố bằng chứng thuyết phục về việc Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Moscow. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt lan truyền thông tin sai lệch về việc sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga; đồng thời khẳng định lập trường cốt lõi của Bắc Kinh là thúc đẩy đối thoại hòa bình cho vấn đề Ukraine.

Ông Daniel Russel, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về vấn đề Đông Á nhận định, các nhà hoạch định chính sách Mỹ luôn lo ngại rằng các cường quốc công nghiệp ở châu Âu như Đức sẽ vì lợi ích thương mại của họ ở Trung Quốc, mà chưa sẵn sàng đưa ra lập trường cứng rắn về các vấn đề an ninh và địa chính trị. “Do vậy, chính quyền Tổng thống Biden sẽ sử dụng chuyến thăm của ông Scholz để cố gắng thay đổi sự cân bằng lâu nay trong lập trường của Đức. Washington vẫn coi Berlin là cường quốc quân sự hàng đầu ở châu Âu.”, ông Russel nói.

Trong diễn biến đáng chú ý, ngày 2-3, chính quyền Mỹ bổ sung 2 đơn vị trực thuộc công ty di truyền học nổi tiếng BGI và công ty điện toán đám mây Inspur của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại. Đây là động thái nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Theo các nhà phân tích, một trong số những thách thức mà Mỹ phải đối mặt khi áp dụng các biện pháp trừng phạt Trung Quốc là nước này đã hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế lớn của châu Âu và châu Á, làm phức tạp thêm các cuộc trao đổi. Các đồng minh của Mỹ, từ Đức đến Hàn Quốc, đều không muốn tách khỏi Trung Quốc.

Trong khi đó, ngày 2-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko thúc giục EU áp đặt gói trừng phạt thứ 11 nhắm vào Nga. Quan chức này cho rằng Moscow vẫn còn khả năng tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ khổng lồ, do đó EU cần ra lệnh trừng phạt mới càng sớm càng tốt. Trước đó, ngày 27-2, Điện Kremlin đã chỉ trích EU sau khi Brussels thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga do liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, các nước phương Tây đang cố tìm thêm cá nhân và thực thể để trừng phạt; đồng thời nhấn mạnh việc đưa các cá nhân và thực thể của Nga không liên quan vào danh sách trừng phạt là hết sức vô lý.

THƯ LÊ

.