Quốc tế

Mỹ gấp rút bình ổn hệ thống ngân hàng

08:56, 14/03/2023 (GMT+7)

Ngày 13-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các biện pháp củng cố hệ thống ngân hàng để ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng trên thị trường tài chính sau khi có thêm một ngân hàng phải đóng cửa sau sự sụp đổ bất ngờ của “vựa tiền” Silicon Valley (SVB), vụ phá sản ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ  khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cảnh sát có mặt tại trụ sở ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 10-3. Ảnh: AP
Cảnh sát có mặt tại trụ sở ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 10-3. Ảnh: AP

Chính phủ Mỹ đang tập trung nỗ lực bảo đảm quyền lợi của người dân, gồm cả người gửi lẫn người nộp thuế, thay vì chi ngân sách để “cứu” các ngân hàng sụp đổ. 

Kích hoạt biện pháp can thiệp kịp thời

Theo Reuters, dù vụ SVB sụp đổ ít khả năng dẫn đến đại khủng hoảng tài chính nhưng lại làm dấy lên lo ngại các ngân hàng khác, nhất là trong các ngành thường xuyên thiếu tiền mặt như công nghệ hay tiền mã hóa, có thể đối mặt với thảm kịch tương tự. Không nằm ngoài dự đoán, ngày 12-3, giới chức Mỹ đóng cửa ngân hàng tiền ảo khổng lồ Signature. Đây là cú thất bại lớn thứ ba trong lịch sử ngân hàng Mỹ, chỉ hai ngày sau biến cố SVB.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, tất cả người gửi tiền của Signature sẽ được thanh toán toàn bộ và người nộp thuế không phải chịu tổn thất. Hồi tuần trước, ngân hàng Silvergate thông báo sẽ ngừng hoạt động và thanh lý tài sản, đánh dấu vụ đầu tiên trong chuỗi đổ bể của các “gã khổng lồ” tiền ảo. “Tôi cam kết chắc chắn rằng những người liên quan tới mớ hỗn độn này sẽ phải chịu trách nhiệm, cũng như tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và điều chỉnh các ngân hàng lớn hơn”, Tổng thống Biden nói.

Ngày 12-3, trong động thái trấn an, chính phủ Mỹ thông báo, tất cả khách hàng tại cả SVB và Signature được tiếp cận tiền gửi của họ sáng 13-3 (giờ địa phương). Trước đó, chỉ những khách hàng có khoản tiền gửi dưới 250.000 USD mới có thể rút tiền nhờ được luật liên bang bảo vệ.

Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FIDC) sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người gửi. Chính quyền Mỹ đánh giá đây là một trong những quyết định then chốt để bảo đảm hệ thống ngân hàng tiếp tục sứ mệnh bảo vệ tiền gửi, đồng thời giúp hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp cận  khoản vay mới, qua đó củng cố niềm tin cộng đồng vào hệ thống ngân hàng và duy trì phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

Cục Dự trữ liên bang (FED) tuyên bố cung cấp các khoản vay lên đến một năm cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, tín dụng và các tổ chức khác. Những bên được hưởng cơ chế phải cầm cố tài sản thế chấp chất lượng cao như trái phiếu kho bạc, nợ đại lý và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Trước đó, ngày 11-3, tỷ phú Elon Musk cho biết, ông cởi mở với ý tưởng Twitter mua lại SVB.

Nhiều nước chuẩn bị kịch bản ứng phó

Có nhiều lý do đằng sau sụ SVB sụp đổ nhưng giới quan sát chỉ trích “chiến dich hiều dâu” tăng lãi suất của FED phần nào dẫn đến biến cố này. SVB, “vựa tiền” của giới khởi nghiệp, phải chịu sức ép rất lớn khi nguồn đầu tư mạo hiểm và công nghệ chững lại hoặc giảm sút khiến dòng tiền gửi chậm lại, khách hàng ồ ạt rút tiền, trong khi lãi suất cho vay vẫn cao.

Ông Ed Moya, chuyên gia tại công ty Oanda nói: “Ai ở Phố Wall cũng hiểu chiến dịch tăng lãi suất của FED sau cùng sẽ phá vỡ trật tự của thị trường tài chính và ngay lúc này là việc hạ gục các ngân hàng nhỏ”. Theo đó, tình trạng các bên bán khống và tấn công các ngân hàng nhỏ với mức an toàn vốn thấp có thể xảy ra trong những ngày tới. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán, những xáo trộn vừa xảy ra trong ngành ngân hàng có thể buộc FED “ghì phanh” lãi suất sau những cú tăng mạnh liên tiếp; hay nói cách việc tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 22-3 khó xảy ra.

Bên cạnh làm suy giảm niềm tin vào hệ thống tài chính Mỹ, vụ SVB còn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thị trường toàn cầu chao đảo trong tuần này. Nhiều nước đang chuẩn bị biện pháp can thiệp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ giảm thiệt hại do sự sụp đổ của SVB.

Chính phủ Anh hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ có giao dịch tại chi nhánh của SVB tại Anh (SVB Anh) khi họ đang đối mặt với khả năng sa thải hàng loạt nhân viên nếu không thể trả lương và hóa đơn; đồng thời kích hoạt kế hoạch giải cứu nhằm cung cấp bảo lãnh cho các ngân hàng có gói tín dụng mới cho các công ty có tiền bị khóa trong SVB Anh. Ngày 13-3, ngân hàng HSBC mua lại SVB Anh với giá 1 bảng Anh (1,2 USD) để ngăn chi nhánh này sụp đổ.

Tương tự, Ấn Độ, Israel và các thị trường khởi nghiệp lớn khác cũng cam kết hỗ trợ các công ty công nghệ bị ảnh hưởng. Tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương tăng cường giám sát chặt chẽ tác động đối với các yếu tố gây biến động giá; đồng thời khẳng định sẽ có các biện pháp thích hợp để ổn định thị trường tài chính nếu cần.

THƯ LÊ

.