Quốc tế

Nỗi lo của Ai Cập mang tính toàn cầu

07:50, 11/03/2023 (GMT+7)

Ngày 9-3, Ai Cập thông báo sẽ rút khỏi Hiệp định thương mại đa quốc gia về ngũ cốc của Liên Hợp Quốc (GTC) kể từ cuối tháng 6-2023. Động thái bất ngờ diễn ra trong bối cảnh xảy ra những xáo trộn lớn trên thị trường do cuộc xung đột ở Ukraine và mối quan ngại về an ninh lương thực toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, quyết định được đưa ra sau khi có đánh giá từ Bộ Cung cấp và thương mại của nước này cho rằng, tư cách thành viên của Ai Cập trong Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC), cơ quan quản lý hiệp định GTC, đã không mang lại các giá trị gia tăng.

Hay nói cách khác, Ai Cập không muốn bị GTC ràng buộc để có thể đa dạng hóa nguồn cung nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Một số thành viên IGC, cơ quan quản lý hiệp định GTC, lấy làm tiếc và kêu gọi Ai Cập đảo ngược quyết định bất ngờ này. Các bên ký kết khác của GTC gồm các nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn ngũ cốc như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Được biết, Ai Cập hiện là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Theo Bộ trưởng Nguồn cung Ai Cập Ali el-Moselhy, nước này cần nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn lúa mì trong năm tài chính 2022 - 2023. Bánh mì là lương thực chính trong chế độ ăn uống của người Ai Cập, với mức tiêu thụ gần 100 tỷ ổ bánh mì mỗi năm.

Để bảo đảm nguồn lương thực chủ yếu này, lâu nay Ai Cập nhập khẩu phần lớn ngũ cốc với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh từ Nga và Ukraine, vốn được vận chuyển qua Biển Đen. Tuy nhiên, đất nước 104 triệu dân này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lúa mì ở mức báo động do khủng hoảng giá lương thực toàn cầu sau tác động của Covid-19 và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, từ khi khủng hoảng Nga - Ukraine xảy ra, 80% lượng nhập khẩu lúa mì hằng năm của Ai Cập đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để giải quyết sự thiếu hụt lúa mì ở Ai Cập và các nước khu vực Sừng châu Phi và thế giới nói chung, các cơ quan gồm Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp.

Trong đó, sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết, thông qua sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ là giải pháp cụ thể. Sáng kiến thúc đẩy xuất khẩu hàng chục triệu tấn lúa mì, phân bón của Nga và Ukraine. Tuy vậy, thực phẩm vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người do giá cao và tác động của thời tiết. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, xung đột Nga - Ukraine, cùng với tác động kéo dài do Covid-19 đối với thương mại sẽ dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có. Theo FAO, năm 2021 có khoảng 828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói và con số này đã không ngừng tăng lên.

Trong đó, số người bị nạn đói đe dọa ở khu vực châu Phi, nhất khu vực Sừng châu Phi, chiếm tỷ lệ cao. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và đổi mới nhằm phát huy tối đa nguồn lực hiện có để tìm lối thoát. Không chỉ chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao mà việc cung ứng, tiếp cận các nguồn cung khác nhau cũng là nhân tố vô cùng quan trọng.

Việc Ai Cập rời GTC là điều bất ngờ và đáng tiếc nhưng nó phản ánh biến động lớn trên thị trường thế giới, tiếp tục làm dấy lên mối quan ngại đối với nhiều nước về tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

TUYẾT MINH

.