Quốc tế
Trung Quốc - Pháp thúc đẩy lợi ích tương đồng
Ngày 5-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại hậu Covid-19, đồng thời thúc đẩy vai trò hòa giải của Trung Quốc trong xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước cộng đồng người Pháp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 5-4. Ảnh: Reuters |
Đáng chú ý, Tổng thống Macron mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng tới Bắc Kinh với mong muốn thể hiện sự thống nhất trong nội bộ châu Âu trong cách tiếp cận với Trung Quốc, đưa quan hệ Pháp - Trung Quốc lên tầm vóc châu Âu. Ngày 6-4, ông Macron hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc.
Tái cân bằng quan hệ thương mại
Theo France 24, mục tiêu của ông Macron trong chuyến thăm là nhằm duy trì, tái cân bằng liên kết thương mại với Trung Quốc. Được biết, phái đoàn gồm 60 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, gồm Airbus và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) tháp tùng ông Macron đến Bắc Kinh. Các doanh nghiệp Pháp hy vọng ký kết các hợp đồng mới và tái thiết mối quan hệ thương mại vốn đã chậm lại trong giai đoạn Covid-19. Lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận đổi mới liên kết văn hóa và du lịch bởi Paris muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch Trung Quốc quay lại Pháp. Bên cạnh đó, ông Macron hy vọng Trung Quốc sẽ phối hợp với Mỹ và Pháp để củng cố đoàn kết giữa miền bắc bán cầu và miền nam bán cầu, đồng thời xây dựng chương trình nghị sự chung về khí hậu và đa dạng sinh học.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là việc ông Macron sẽ tái khẳng định lập trường về bảo vệ lợi ích của Pháp ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi nước này coi mình là một bên liên quan do có các lãnh thổ hải ngoại và triển khai quân sự tại đây. Do đó, Pháp hy vọng trở thành một bên tham gia đối thoại giải quyết các căng thẳng gia tăng giữa các bên trong khu vực vốn được Paris xem như trung tâm đầu não của hành tinh. Trong khi đó, bà Leyen sẽ gửi thông điệp về việc châu Âu đang giảm rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc, trong đó có việc khu vực này đang tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm và giảm phụ thuộc nhập khẩu các hàng hóa trong các lĩnh vực chiến lược như nguyên liệu thô quan trọng, công nghệ liên quan đến điện toán, chất bán dẫn và công nghệ sạch. Trong khi đó, Tổng thống Macron cho rằng, châu Âu không nên tách rời Trung Quốc dù quan hệ thương mại của châu Âu với Bắc Kinh có rủi ro và không cân bằng.
Tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề Ukraine
Không khó nhận ra mục tiêu quan trọng khác của lãnh đạo Pháp và EC là thuyết phục Trung Quốc đóng vai trò trung gian tìm giải pháp cho chiến sự ở Ukraine vốn đang làm rung chuyển “lục địa già”. So với các thời điểm chuyến thăm Trung Quốc cách đây 3 năm, chuyến công du lần này của ông Macron thực sự không dễ dàng. Cuộc xung đột Ukraine và mây đen phủ bóng quan hệ Mỹ - Trung Quốc đòi hỏi ông Macron phải xử lý quan hệ với Bắc Kinh một cách tế nhị để bảo vệ quyền lợi của Paris và châu Âu, đồng thời không để ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với Washington. Do vậy, trước thềm chuyến đi, ông Macron điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Văn phòng tổng thống Pháp cho biết: “Hai nhà lãnh đạo đề cập việc sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để đẩy nhanh kết thúc xung đột ở Ukraine, đồng thời tham gia xây dựng hòa bình bền vững trong khu vực”.
Thực tế, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang chờ xem liệu sắp tới ông Tập Cận Bình có đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không. Guardian dẫn lời quan chức từ Văn phòng tổng thống Pháp cho biết, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tác động ngay lập tức và triệt để vào tình hình ở Ukraine khi có thể xoay chuyển cán cân theo hướng tích cực thông qua thúc đẩy đối thoại về các điều kiện để chấm dứt xung đột. Trong khi đó, bà Leyen nhấn mạnh: “Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với Nga về vấn đề Ukraine sẽ là yếu tố quyết định cho quan hệ EU - Trung Quốc trong tương lai”.
Trước đó, Trung Quốc từng đề xuất một giải pháp chính trị gồm 12 điểm cho cuộc khủng hoảng này, trong đó kêu gọi Nga và Ukraine giảm leo thang để đi đến thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Ngày 4-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và liên lạc với phía châu Âu để tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine”. Các nhà quan sát nhận định, chuyến thăm Trung Quốc của hai nhà lãnh đạo từ châu Âu cho thấy, châu Âu đang ngầm thừa nhận Bắc Kinh như là “người thay đổi cuộc chơi” khi đang giữ vai trò quan trọng góp phần giải quyết các vấn đề địa chính trị.
THƯ LÊ