Quốc tế

Trung Quốc - Nhật Bản loại bỏ trở ngại trong quan hệ

09:21, 04/04/2023 (GMT+7)

Cách đây 45 năm, Trung Quốc và Nhật Bản ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị. Tuy nhiên, kể từ đó, quan hệ song phương trải qua rất nhiều sóng gió, trong đó có vấn đề cạnh tranh về chiến lược, chủ quyền quanh quần đảo trên biển Hoa Đông mà người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Những năm gần đây, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gia tăng sức mạnh kinh tế, quân sự để có thể vượt Mỹ, tăng ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương càng khiến quan hệ song phương trở nên phức tạp.

Một điểm nhấn mà các nhà quan sát thấy rất rõ là việc Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng ngoại giao ở các vùng bên ngoài châu Á. Trong khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang “Kế hoạch hòa bình cho Ukraine” đến Moscow, thì cùng thời điểm, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bất ngờ thăm Kiev và thông báo viện trợ 5,5 tỷ USD cho nước này. Trước đó, Bắc Kinh khẳng định vai trò trung gian hòa giải Iran - Arab Saudi thì Tokyo liền công bố “Kế hoạch Nhật Bản” cho Ấn Độ-Thái Bình Dương, thắt chặt bang giao với Ấn Độ, gạt bỏ hiềm khích quá khứ để khôi phục hợp tác với Hàn Quốc…Cũng chính trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh, Tokyo vừa thúc đẩy mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và quyết định tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trước ngưỡng 2027.

Ở khía cạnh đáng chú ý khác liên quan thiết bị bán dẫn, Nhật Bản tuyên bố muốn đóng vai trò trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế với tư cách là nước có công nghệ thẻ nhớ điện tử tân tiến bằng việc hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị chế tạo linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc. Ngay lập tức, bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, chính trị hóa, công cụ hóa và quân sự hóa các vấn đề thương mại và công nghệ là cố tình gây bất ổn cho chuỗi cung ứng và sản xuất trên thế giới. Không những vậy, việc mở cửa cho khách du lịch giữa hai nước sau Covid-19 cũng gặp nhiều trở ngại như cấp thị thực, mở lại các đường bay.

Có thể nói quan hệ giữa Tokyo-Bắc Kinh ẩn chứa khá nhiều bất đồng âm ỉ, thậm chí là mang tính đối đầu, nhưng không vì thế mà cả hai không nỗ lực tìm kiếm cơ hội hóa giải mâu thuẫn. Sau 4 năm gián đoạn, ngày 22-2, quan chức ngoại giao và quốc phòng của hai nước tiến hành đối thoại an ninh song phương tại Tokyo nhằm tìm cách duy trì và nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng bất ổn. Hai bên trao đổi quan điểm sâu rộng về quan hệ song phương và chính sách quốc phòng - an ninh, trong đó có Chiến lược an ninh quốc gia và hai văn kiện quan trọng khác về quốc phòng mà nội các Nhật Bản thông qua hồi trung tuần tháng 12-2022, cùng các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Sau đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đến Bắc Kinh ngày 1-4. Đây là chuyến công du đầu tiên của một Ngoại trưởng Nhật Bản đến Trung Quốc kể từ tháng 12-2019. Theo Kyodo, Ngoại trưởng Hayashi cho biết, dù có nhiều thách thức nhưng việc hai nước hướng tới quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định là điều ngày càng quan trọng, đúng theo những gì từng được ông Kishida và ông Tập Cận Bình nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 11-2022. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương lưu ý, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị song phương và lựa chọn đúng đắn phải được thực hiện để tôn vinh tinh thần của hiệp ước. Ông cam kết hợp tác với người đồng cấp Nhật Bản để hai nước có thể tiến lên phía trước bằng cách loại bỏ các trở ngại.

Trước đó, ngày 31-3, Tokyo và Bắc Kinh khởi động đường dây nóng quốc phòng vốn được thiết lập để phòng ngừa các cuộc đụng độ ngoài ý muốn giữa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Trung Quốc. Dư luận trong khu vực và quốc tế nhất định sẽ đồng tình, ủng hộ việc Nhật Bản và Trung Quốc loại bỏ các trở ngại để thúc đẩy quan hệ song phương bởi đây là hướng đi đúng đắn, góp phần ổn định hòa bình, thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua thách thức.

TUYẾT MINH

.