Quốc tế
Cuộc "chạy đua" của các nhà lãnh đạo thế giới
Chính trường thế giới trong những ngày qua chứng kiến cuộc “chạy đua” chưa từng có về tần suất các hội nghị thượng đỉnh khu vực, nhóm nước, các khối liên minh với sự tham dự của các nhà lãnh thế giới để tìm sự ủng hộ, hợp tác, hoặc hoạch định các mục tiêu, trong đó có cả biện pháp răn đe, trừng phạt, ngăn chặn nhằm đối phó lẫn nhau trước loạt thách thức ngày càng khó lường.
Tâm điểm chú ý trong tuần qua chính là hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản. Đáng chú ý, G7 đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất nhắm vào Trung Quốc, kể từ khi nhóm này lần đầu tiên đề cập tới Bắc Kinh trong Tuyên bố chung trong hội nghị cách đây hai năm ở Anh. Các lãnh đạo G7 khẳng định, sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc nhưng cũng cho rằng việc đề cập thẳng thắn và trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Bắc Kinh là rất quan trọng. Theo Kyodo, ngày 22-5, Bắc Kinh triệu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi để phản đối các tuyên bố của G7 về những vấn đề liên quan đến Bắc Kinh. Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông thể hiện sự bất bình mạnh mẽ và phản đối kiên quyết của Bắc Kinh đối với các tuyên bố được đưa ra trong hội nghị G7 do Nhật Bản chủ trì.
Trong cùng thời điểm, tại “chảo lửa” Trung Đông, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 của Liên đoàn Arab (AL) diễn ra tại Jeddah (Saudi Arabia) với chương trình nghị sự tập trung các vấn đề “nóng” trong khu vực và toàn cầu có ý nghĩa sống còn đối với sự ổn định của các nước Arab. Đặc biệt, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tham dự hội nghị, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo này tới vương quốc giàu dầu mỏ kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang trong nước hồi năm 2011. Theo giới quan sát, với sự trở lại AL của Syria trong khi Mỹ vẫn phản đối và tiếp tục chính sách bao vây, cấm vận nước này là dấu hiệu suy yếu về tầm ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực vốn là căn cứ vững chắc của Washington kể từ sau Thế chiến 2.
Một sự kiện đáng chú ý khác là ngay trước khi khai mạc hội nghị G7 ở Nhật Bản, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á diễn ra tại Tây An (Trung Quốc), vốn là đầu mối “Con đường Tơ lụa” thời cổ đại nối liền châu Âu và vùng Viễn Đông. Thông qua sự kiện, Trung Quốc muốn tăng sức ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời làm đối trọng với điều mà Bắc Kinh coi là trật tự “đơn cực” do Mỹ dẫn dắt nhằm kiềm tỏa nước này. Trong khuôn khổ hội nghị, Trung Quốc thông báo cung cấp cho các nước Trung Á tổng cộng khoảng 3,8 tỷ USD hỗ trợ tài chính và hỗ trợ không hoàn lại; nâng cấp các thỏa thuận đầu tư song phương với các nước Trung Á... Trong bối cảnh Nga tập trung chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc vươn lên trong cuộc đua giành sự ảnh hưởng chính trị và năng lượng tại Trung Á, một khu vực giàu tài nguyên. Các cam kết hỗ trợ và hợp tác tại sự kiện này cho thấy hình ảnh khác của Trung Quốc, tương phản với những gì diễn ra tại hội nghị G7 ở Nhật Bản.
Mỹ và Ấn Độ đang gia tăng sự hiện diện tại các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực. Ngày 22-5, Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ - Các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra tại thủ đô Port Moresby (Papua New Guinea). Tại đây, Ấn Độ cam kết thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Papua New Guinea, qua đó cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận một số sân bay và cảng của quốc đảo được đánh giá có vị trí mang tính chiến lược này.
Có thể nói, cuộc “chạy đua” của các hội nghị thượng đỉnh trong những ngày qua dù có những hướng đi tích cực bước đầu nhưng cũng chưa thể “hóa giải” hết các nguy cơ tiềm ẩn, bất đồng giữa các quốc gia, các nhóm nước…, nhất là khi nó đi vào thực tiễn sẽ còn vấp phải hàng loạt rào cản khó lường.
TUYẾT MINH