Quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh G7: Củng cố trật tự quốc tế theo pháp luật
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio “đưa” hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tới quê hương của ông ở Hiroshima, nơi từng là “vùng đất số không” của cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên cách đây 78 năm. Sự lựa chọn có ẩn ý này nhấn mạnh quyết tâm của Nhật Bản nhằm thúc đẩy động lực giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thể hiện ý chí củng cố trật tự quốc tế theo pháp luật.
Lãnh đạo các nước thành viên G7 thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Nhật Bản) ngày 19-5. Ảnh: AP |
Bên cạnh thương mại và công nghệ số, chiến sự ở Ukraine, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là điểm nhấn đáng chú ý của cuộc thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên (19-5). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến trực tiếp tham dự hội nghị ngày 21-5.
Ước muốn của Nhật Bản
Lần đầu tiên tất cả nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima ngày 19-5. Đến nay, Nhật Bản vẫn là nước duy nhất bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Việc ấn định vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân là chủ đề chính trong chương trình nghị sự được xem là điểm khởi đầu để hiện thực hóa “giấc mơ về thế giới không có vũ khí hạt nhân” của nước chủ nhà. Foreign Affairs dẫn lời ông Kishida nhấn mạnh, nỗi đau quá khứ của Hiroshima là lời nhắc nhở mạnh mẽ về những gì có thể xảy ra khi hòa bình và trật tự bị phá vỡ và nhường chỗ cho bất ổn và xung đột khi thế giới đang ở “ngã tư lịch sử” với loạt khủng hoảng phức tạp. Chính vì vậy, hội nghị hướng đến củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp, đồng thời phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân và vũ lực để làm thay đổi hiện trạng.
Theo Japan Times, mục tiêu chính của các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị sẽ là theo đuổi các sáng kiến mới nhằm thúc đẩy giải trừ quân bị và khôi phục tiến trình kiểm soát vũ khí hạt nhân đang bị đình trệ trong môi trường an ninh quốc tế nghiêm trọng. Ông Kishida có thể tranh thủ nhắc lại 5 trụ cột của “Kế hoạch hành động Hiroshima”, trong đó kêu gọi các nước giảm kho dự trữ hạt nhân và công khai thông tin về sản xuất vật liệu phân hạch như uranium và plutonium... được làm giàu cao được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhiều khả năng, Nhật Bản cũng ủng hộ tái khởi động đàm phán giữa Mỹ và Nga về hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới, cũng như thiết lập đàm phán chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc về kho vũ khí tương ứng của mỗi bên, qua đó đi đến sự đồng thuận về cách tiếp cận và cuối cùng giải quyết vấn đề cấp bách này.
Thách thức vẫn còn phía trước
Trước diễn biến căng thẳng leo thang gần đây ở Ukraine hay phát triển hạt nhân của Iran và Triều Tiên, con đường giải trừ hạt nhân dường như trở nên gập ghềnh hơn. Tại hội nghị, các đồng minh của Mỹ dự kiến thảo luận triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn tới khu vực để ứng phó với thách thức chung. Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dự kiến thảo luận song phương hợp tác an ninh chặt chẽ hơn, có thể gồm khả năng răn đe hạt nhân cứng rắn hơn. Ông Kishida thực sự lo ngại thách thức an ninh từ các nước, trong đó có Trung Quốc, Triều Tiên và Nga - những nước láng giềng của Nhật Bản và sở hữu khoảng một nửa số đầu đạn hạt nhân toàn cầu.
Trong báo cáo năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nguồn cung đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc dự kiến đạt khoảng 1.500 vào năm 2035. Triều Tiên cũng khiến Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á “đau đầu” khi liên tục “trình làng” những bước tiến đáng lo ngại với thử nghiệm tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được thiết kế để vươn tới lục địa Mỹ, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có đông quân nhân Mỹ đồn trú trong khu vực.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng không loại trừ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình để làm công cụ răn đe, thay vì cứ phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ bấy lâu nay. Nghiên cứu được công bố vào tháng 2-2023 cho biết, hơn 76% người Hàn Quốc nhận thấy sự cần thiết để Seoul theo đuổi độc lập chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh quan ngại mối đe dọa quân sự gia tăng từ Triều Tiên.
THƯ LÊ
Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng Trong chương trình công tác tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự 3 phiên thảo luận về các chủ đề “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”; tham gia hoạt động Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế. Thủ tướng sẽ tham gia đóng góp với cộng đồng quốc tế, gắn với các lợi ích của Việt Nam về nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh-phát triển, phát triển bền vững, hợp tác y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng..., qua đó truyền tải thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy lợi ích chính đáng của đất nước. TTXVN |