IAEA vạch ra 5 nguyên tắc để ngăn chặn 'thảm họa' hạt nhân ở Ukraine

.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 30-5 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ 5 nguyên tắc nhằm ngăn ngừa sự cố hạt nhân trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ 15.

Các chuyên gia IAEA đi kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Ảnh: Báo Tin tức
Các chuyên gia IAEA đi kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Ảnh: Báo Tin tức

Trong tuyên bố mới nhất của mình, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi lưu ý rằng tình hình tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya - lớn nhất ở châu Âu - tiếp tục cực kỳ mong manh và nguy hiểm.

Ông Grossi cảnh báo các hoạt động quân sự vẫn tiếp tục trong khu vực “và có thể gia tăng rất đáng kể trong tương lai gần”.

Nhà máy Zaporizhzhya đã bị tấn công trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nó đã bảy lần bị mất điện bên ngoài và phải dựa vào các máy phát điện khẩn cấp – “tuyến phòng thủ cuối cùng chống lại một tai nạn hạt nhân”, ông Grossi nói.

Vị quan chức IAEA đánh giá: “Chúng ta may mắn là tai nạn hạt nhân vẫn chưa xảy ra nhưng chúng ta đang đối mặt với sự may rủi và nếu điều này tiếp diễn thì một ngày nào đó vận may của chúng ta sẽ không còn. Vì vậy, tất cả chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố”.

Yêu cầu cụ thể

Cuộc khủng hoảng Ukraine đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra một cuộc giao tranh giữa các cơ sở của một chương trình năng lượng hạt nhân lớn. Một vài trong số năm nhà máy hạt nhân và các cơ sở khác của Ukraine đã bị pháo kích trực tiếp, và tất cả các nhà máy hạt nhân đều bị mất điện bên ngoài tại một số thời điểm.

Kể từ tháng 9 năm ngoái, IAEA đã duy trì sự hiện diện tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Trong suốt cuộc xung đột, người đứng đầu IAEA đã nhiều lần nhắc lại 7 trụ cột không thể thiếu đối với an toàn và an ninh hạt nhân, trong đó có việc duy trì tính toàn vẹn vật lý của các cơ sở và đảm bảo cung cấp điện an toàn bên ngoài.

“Đã đến lúc phải cụ thể hơn về những gì được yêu cầu. Chúng ta phải ngăn chặn sự rò rỉ chất phóng xạ nguy hiểm”, ông Grossi nói.

5 nguyên tắc

Sau khi tham khảo ý kiến ​​rộng rãi, bao gồm cả với các bên liên quan, ông Grossi đã đưa ra 5 nguyên tắc cụ thể cần thiết để ngăn chặn “sự cố thảm khốc” tại nhà máy Zaporizhzhya.

“Không nên xảy ra bất kỳ hình thức tấn công nào nhằm vào nhà máy, đặc biệt là nhắm vào các lò phản ứng, kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng, cơ sở hạ tầng quan trọng khác hoặc nhân viên”, ông Grossi nêu rõ điểm đầu tiên.

Nhà máy hạt nhân cũng không nên được sử dụng làm kho chứa hoặc căn cứ cho vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như bệ phóng tên lửa hoặc nhân viên quân sự có thể được triển khai cho một cuộc tấn công tiềm tàng từ nhà máy.

Ông Grossi lưu ý: “Không nên đặt nguồn điện bên ngoài nhà máy vào rủi ro và cần thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo nguồn điện luôn sẵn sàng và an toàn”.

Hơn nữa, tất cả các cấu trúc, hệ thống và thành phần cần thiết cho hoạt động an toàn và an ninh của nhà máy, cần được bảo vệ trước các cuộc tấn công hoặc phá hoại. Cuối cùng, không nên thực hiện hành động nào làm suy yếu các nguyên tắc trên.

“Tôi xin nhắc lại một điều rất rõ ràng: Những nguyên tắc này không gây phương hại cho ai và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Tránh một tai nạn hạt nhân là có thể. Tuân thủ năm nguyên tắc của IAEA là cách để bắt đầu”, ông Grossi kết luận.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.