Quốc tế

Ông Erdogan bước vào thập niên cầm quyền thứ ba

09:37, 30/05/2023 (GMT+7)

Ông Recep Tayyip Erdogan củng cố vị thế với tư cách là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ đương đại sau chiến thắng kịch tích trong cuộc bầu cử tổng thống, qua đó bước vào thập niên cầm quyền thứ ba.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 5 năm tiếp theo sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống ngày 28-5. Ảnh: The Independent
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 5 năm tiếp theo sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống ngày 28-5. Ảnh: The Independent

Không nằm ngoài dự đoán của truyền thông quốc tế, Hội đồng Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YSK) xác nhận, ông Erdogan vượt qua đối thủ Kemal Kilicdaroglu trong vòng bỏ phiếu thứ hai với cách biệt khá sít sao vào ngày 28-5 khi giành được 52,14% số phiếu, tiếp tục lãnh đạo đất nước đến năm 2028.

Thách thức chờ đón ông Erdogan

CNN dẫn phát biểu của ông Erdogan trước hàng ngàn người ủng hộ ở Ankara sau chiến thắng cho biết: “Giờ là lúc gác lại mọi tranh luận và mâu thuẫn liên quan đến giai đoạn bầu cử và phát huy sức mạnh đoàn kết để thực hiện các mục tiêu và ước mơ quốc gia”; đồng thời cam kết thực hiện ưu tiên chính trong nhiệm kỳ tới, gồm chống lạm phát và phục hồi kinh tế sau trận động đất thảm khốc vào tháng 2-2023.

AP nhận định, ông Erdogan sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức cả bên trong và bên ngoài. Về đối nội, một trong những thách thức rất lớn hiện hữu đối với chính quyền của ông Erdogan là tình trạng suy thoái kinh tế với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lạm phát ở mức báo động, trong đó giá của đồng lira xuống mức chưa từng có và đạt mức 20 lira đổi một USD vào tuần trước, cùng với dự trữ ngoại hối ròng lần đầu tiên rơi xuống mức âm kể từ năm 2002.

Trong nỗ lực vượt qua những “cơn gió ngược” này, ông Erdogan cam kết duy trì các chính sách kinh tế, gồm giữ lãi suất thấp bất chấp siêu lạm phát và giải quyết khủng hoảng chi phí sinh hoạt, trong đó đặt mục tiêu kéo mức lạm phát xuống 20% trong năm 2023 và dưới 10% vào năm 2024 nhưng vẫn tiếp tục giảm lãi suất. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục củng cố hơn nữa vị thế bằng cách tăng nguồn đầu tư “khủng” vào lĩnh vực giao thông và năng lượng, vốn là cơ sở hạ tầng cơ bản để phát triển lên tầm thế giới. Nhiều khả năng, ông Erdogan sẽ xúc tiến các bước chuẩn bị khởi công dự án xây dựng trung tâm khí đốt quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ theo đề xuất trước đó của Nga.

Về đối ngoại, ông Erdogan sẽ tiếp tục trấn áp các nhóm khủng bố de dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này sẽ không gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn nhất, vì khối này không hài lòng với điều mà họ cho là cách điều hành cứng rắn của ông Erdogan. Về vấn đề Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi miền bắc Syria cũng sẽ mất rất nhiều thời gian.

Dư luận quốc tế nói gì?

Cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt thu hút sự chú ý bởi cử tri trong nước và nhiều quốc gia trong khu vực, quốc tế quan tâm tới vai trò và ảnh hưởng rất lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước 85 triệu dân là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo Atlantic Council, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao cân bằng và phòng ngừa với các cường quốc. Theo Bloomberg, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước Arab, Syria, khu vực vùng Vịnh, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của Tổng thống Erdogan.

Trong mối liên hệ với Nga, ông Erdogan sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Nga để duy trì nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ sau những bất ổn trong các năm qua. Việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nga như trong 7 năm mà ông Erdogan dày công vun vén, đặc biệt là duy trì quan hệ cá nhân thân thiết với người đồng cấp Nga Putin, là một phần trong chiến lược nhằm bảo đảm vị trí đặc biệt của Ankara trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng như cân bằng quan hệ giữa Moscow và phương Tây.

Trong khi đó, RIA Novosti dẫn lời nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Engin Ozer cho rằng, chính quyền Washington đang đánh mất dần ảnh hưởng chính trị đối với Ankara, và hài lòng với thất bại của phe đối lập trong cuộc bầu cử này. Theo ông Ozer, sự hỗ trợ dành cho phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ thực ra đến từ EU, chứ không phải Mỹ bởi lẽ Washington hiện đang tập trung vào tình hình Ukraine. “Có lẽ chính quyền Washington có thể vui mừng vì EU đã mất đi một đối tác chiến lược như Thổ Nhĩ Kỳ”, nhà phân tích này nhận định.

THƯ LÊ

.