Quốc tế
Thế giới tuần qua: Mỹ lùi thời hạn vỡ nợ; Nga nêu điều kiện đàm phán với Ukraine
Mỹ lùi hạn chót vỡ nợ tạo thêm cơ hội đạt được thoả thuận về trần nợ; Nga nêu điều kiện cho đàm phán hoà bình với Ukraine; Mỹ-Hàn tập trận quy mô lớn và quan ngại về tình hình dân thường tại vùng xung đột là những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Lùi hạn vỡ nợ, Mỹ có thêm cơ hội đàm phán trần nợ công
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 26-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo sẽ lùi thời điểm dự báo chính phủ vỡ nợ từ ngày 1-6 sang ngày 5-6 do Mỹ có đủ khả năng dự trữ lâu hơn, trao thêm cơ hội cho các cuộc đàm phán về trần nợ.
Trong bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen cho hay nếu Quốc hội không nâng trần nợ công, nước Mỹ sẽ hết tiền để chi trả các hóa đơn vào thời hạn mới là ngày 5-6, trong bối cảnh các nhà đám phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận.
Việc cập nhật cho thời hạn vỡ nợ, còn gọi là “ngày X”, sẽ giúp các nhà đàm phán có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận. Trước đó, bà Yellen đã nói rằng nước Mỹ có thể hết tiền để thanh toán các khoản cần thiết mình trước ngày 1-6.
Nhiều tháng qua, nữ quan chức này đã cảnh báo về hậu quả việc nước Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá nền kinh tế và thị trường toàn cầu. Nếu nước Mỹ vỡ nợ về mặt kỹ thuật, thậm chí chỉ trong vài ngày, điều đó có thể làm tăng lãi suất và làm suy yếu niềm tin vào đồng đô la Mỹ. Các nhà kinh tế lưu ý rằng các đối thủ của Mỹ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang theo dõi tình trạng bế tắc về giới hạn nợ ở Mỹ, và an tâm khi biết rằng sự xói mòn niềm tin vào đồng đô la Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho họ.
Bà lưu ý chính phủ liên bang cần chi hơn 130 tỷ USD trong vài ngày đầu tháng 6, bao gồm các khoản thanh toán cho cựu chiến binh và những người nhận an sinh xã hội và hỗ trợ y tế Medicare, khiến ngân khố chỉ còn mức cực kỳ thấp.
Tăng trần nợ thường là một cách để giải quyết vấn đề trên. Đảng Cộng hòa đã nâng mức trần mà không có điều kiện tiên quyết ba lần dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, ông Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán của đảng Cộng hòa, tự tin họ có thể đáp ứng thời hạn mới kể trên.
Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi chưa hoàn thành, nhưng chúng tôi đang ở trong giai đoạn có thể thực hiện điều này và chúng tôi phải đi đến một số điều khoản thực sự khó khăn”.
Về phần mình, Tổng thống Joe Biden chia sẻ với các phóng viên rằng ông tin tưởng các nhà đàm phán đã tiến rất gần đến một thỏa thuận. “Mọi thứ đang tốt đẹp. Tôi rất lạc quan”, Tổng thống Mỹ nói.
Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Ukraine
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin. Ảnh: TASS |
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuyên bố Ukraine cần từ bỏ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), cũng như trở lại tình trạng trung lập để tiến trình hòa bình có thể thành công.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS ngày 26-5, Thứ trưởng Galuzin đồng thời lưu ý rằng cách tiếp cận của Nga trong việc giải quyết cuộc xung đột xung quanh vấn đề Ukraine vẫn không thay đổi. Mục tiêu của Moskva bao gồm bảo vệ người dân Donbass, phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, cũng như loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga bắt nguồn từ lãnh thổ của nước láng giềng này.
"Chúng tôi tin tưởng rằng giải pháp chỉ có thể thực hiện được khi quân đội Ukraine và phương Tây chấm dứt hoàn toàn các hành động quân sự. Để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và ổn định, Ukraine phải trở lại tình trạng trung lập không liên kết được ghi trong tuyên bố chủ quyền quốc gia năm 1990 và từ chối gia nhập NATO và EU”, ông Galuzin nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng việc bảo vệ quyền của người nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số là một yếu tố thiết yếu của giải pháp hòa bình.
Trước đó, Nga nhiều lần nêu rõ việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí mới, trong đó có máy bay chiến đấu, sẽ không thể thay đổi căn bản diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt. Điều đó khiến phương Tây ngày càng tham gia vào cuộc xung đột cũng như kéo theo nhiều nguy cơ. Nga nhấn mạnh điều này đòi hỏi Moskva có những biện pháp phòng ngừa nhất định.
Mỹ - Hàn tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất
Xe tăng K2 của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật ngày 25-5. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh và 75 năm thành lập quân đội Hàn Quốc., ngày 25-5, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu tập trận bắn đạn thật mô phỏng một "cuộc tấn công toàn diện" từ Triều Tiên. Hai bên miêu tả đây là cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm chứng tỏ tiềm lực quân sự "áp đảo" trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, cuộc tập trận diễn ra tại trường bắn Seungjin ở Pocheon, cách thủ đô Seoul 52 km về phía Đông Bắc, với sự tham gia của khoảng 2.500 binh sĩ đến từ 71 đơn vị quân đội của Hàn Quốc và Mỹ cùng khoảng 600 khí tài quân sự. Các bài tập trong cuộc tập trận sẽ liên quan đến máy bay chiến đấu, xe tăng và lựu pháo. Dự kiến, Washington và Seoul sẽ tổ chức thêm 4 lần tập trận bắn đạn thật nữa từ nay đến giữa tháng 6.
"Cuộc tập trận đã thể hiện khả năng và sự sẵn sàng của quân đội để đáp trả mạnh mẽ các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như một cuộc tấn công tổng lực", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, đồng thời cam kết duy trì "hòa bình thông qua sức mạnh áp đảo".
Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ từng tiến hành một số cuộc tập trận bắn đạn thật, với lần gần nhất là vào năm 2017, với sự tham gia của hơn 2.000 binh sĩ từ 48 đơn vị quân đội của Hàn Quốc và Mỹ.
Tuần trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã thông qua những bước chuẩn bị cuối cùng cho việc phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của quốc gia này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định nỗ lực chống lại các mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng vệ tinh này sẽ giúp Bình Nhưỡng cải thiện khả năng giám sát, cho phép nước này tấn công các mục tiêu chính xác hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Hình ảnh vệ tinh thương mại gần đây cho thấy tiến độ trên một bệ phóng mới ở trạm phóng vệ tinh của Triều Tiên, với hoạt động ở "mức độ khẩn cấp mới", rất có thể là để chuẩn bị cho vụ phóng sắp tới.
Những tháng gần đây, các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận khác nhau, bao gồm diễn tập trên không và trên biển có sự tham gia của các máy bay ném bom B-1B của Mỹ.
Triều Tiên nhiều lần cảnh báo các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc làm ảnh hưởng đến an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và đẩy nhanh khu vực và đẩy nhanh khu vực này đến giai đoạn nguy cấp hơn.
Thế giới 'thất bại' trong việc bảo vệ thường dân khỏi xung đột
Một tòa nhà bị hư hại do giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tại thủ đô Khartoum ngày 24-5-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 23-5, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết thế giới đang thất bại trong việc bảo vệ dân thường khi số người bị cuốn vào các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo tăng vọt vào năm ngoái.
Năm 2022, LHQ thống kê số dân thường thiệt mạng đã tăng 53% so với năm trước, với gần 17.000 nạn nhân được ghi nhận trong 12 cuộc xung đột.
Viện dẫn những cái chết của người dân thường ở Ukraine và Sudan, các trường học bị phá hủy ở Ethiopia và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng nước ở Syria, Tổng thư ký Guterres cảnh báo rằng "thế giới đang không tuân thủ các cam kết bảo vệ thường dân; các cam kết được ghi trong luật nhân đạo quốc tế”.
Ông Guterres cho biết nghiên cứu của LHQ ở các vùng chiến sự cho thấy 94% nạn nhân của "vũ khí và vật liệu gây nổ" ở các khu vực đông dân cư là dân thường vào năm ngoái, trong khi hơn 117 triệu người phải đối mặt với nạn đói cấp tính chủ yếu vì của chiến tranh và mất an ninh.
Chỉ riêng ở Ukraine, nơi xung đột đã kéo dài sang năm thứ hai, LHQ ghi nhận gần 8.000 thường dân thiệt mạng và hơn 12.500 người bị thương, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn.
Trên toàn thế giới, số người tị nạn buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực, vi phạm nhân quyền và đàn áp đã lên tới 100 triệu người.
Cũng phát biểu trước LHQ ngày 23-5, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) nói với các thành viên rằng: “Khi chúng ta gặp nhau, vô số thường dân trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới đang trải qua một địa ngục trần gian. Bất cứ lúc nào, tên lửa có thể phá hủy nhà cửa, trường học, phòng khám và mọi người trong đó. Bất kỳ tuần nào, họ có thể hết thức ăn hoặc thuốc men”.
Về phần mình, Chủ tịch luân phiên ICRC, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset nhấn mạnh tất cả các bên tham gia xung đột cần phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Ông nói xung đột là động lực chính của nạn đói. Ngày càng có nhiều người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tập trung nhiều nhất ở các khu vực xung đột như Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Sahel, hoặc trong các bối cảnh khác nơi bạo lực phổ biến, chẳng hạn như Haiti.
Tổng thư ký LHQ khẳng định: "Đã đến lúc chúng ta thực hiện những cam kết bảo vệ dân thường".
Theo Baotintuc.vn