Quốc tế
Thách thức và kỳ vọng với tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong vừa tới Washington để nhận nhiệm vụ Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Nhà ngoại giao kỳ cựu này bày tỏ quyết tâm thúc đẩy những trao đổi liên lạc ở Mỹ để hoàn thành điều mà ông gọi là “sứ mệnh quan trọng” trong sự nghiệp của mình.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng trên nhiều phương diện, không khó để nhận thấy ông Tạ Phong sẽ đối mặt với loạt vấn đề nan giải trong quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới. “Tôi là đại diện của Trung Quốc nên tôi tới đây để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc. Đây là trách nhiệm thiêng liêng của tôi. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ đi cùng hướng với Trung Quốc để tăng cường đối thoại, giải quyết những khác biệt và mở rộng hợp tác, qua đó đưa quan hệ giữa hai nước trở lại đúng hướng”, ông Tạ Phong nói.
Theo AP, ông Tạ Phong tiếp nhận vai trò mới sau khi cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương rời cương vị gần 5 tháng trước. Trong nhiều tháng qua, ông Tạ Phong nổi lên như ứng cử viên sáng giá cho vị trí đã để ngỏ nhiều tháng qua. Một trong những chỉ dấu sớm nhất cho thấy ông sẽ được chọn là việc ông đã giữ vai trò nổi bật trong cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh vào tháng 3-2023. Nhà ngoại giao này từng đảm nhiệm vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia. Ông là người có kinh nghiệm làm việc cũng như các mối quan hệ với phía Mỹ khá sâu rộng. Phần lớn sự nghiệp ngoại giao của ông đều tập trung vào các vấn đề liên quan đến Mỹ. Ông từng là nhà ngoại giao giữ vị trí số 2 tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ năm 2008, có hơn 10 năm làm việc tại Vụ Bắc Mỹ và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đầu tháng 1-2023, khi những thông tin rò rỉ tiết lộ khả năng ông Tạ Phong sẽ thay ông Tần Cương trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Wall Street Journal có bài viết chia sẻ những nhận định và đánh giá của người trong giới về nhà ngoại giao này. Khi đó, tờ báo Mỹ này cho biết, theo đánh giá của các đồng nghiệp cũng như đối tác nước ngoài, ông Tạ Phong được xem như sự kết nối chắc chắn và khách quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông từng là người tham gia thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 11-2022; là người lĩnh xướng cho phái đoàn Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận trao đổi tù nhân năm 2021 với phía Mỹ.
Theo ông William Klein thuộc hãng tư vấn FGS Global và là cựu quan chức ngoại giao của Mỹ có kinh nghiệm sâu sắc về Trung Quốc, việc chọn ông Tạ Phong có thể là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn quản lý tốt hơn cuộc cạnh tranh với Washington. Cũng theo ông Klein, những người từng gặp gỡ, tiếp xúc với ông Tạ Phong nhận thấy ông là quan chức thận trọng và điềm tĩnh.
“Nhã nhặn hay cứng rắn, sắc độ giọng nói của ông ấy sẽ tùy thuộc vào không khí tổng thể của mối quan hệ”, ông Klein nói thêm về ấn tượng từng có của mình với nhà ngoại giao Trung Quốc, và giải thích thêm rằng những ưu tiên trong đối thoại của ông Tạ Phong sẽ là quan điểm chỉ đạo của chính sách ngoại giao, bối cảnh, những người liên quan và thời điểm của sự kiện. Ông Tạ Phong cũng là người có mối quan hệ rất gắn bó với nhà ngoại giao thế hệ đàn anh Dương Khiết Trì khi họ cùng làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington trước đây.
Quan hệ Mỹ - Trung đã sa sút trong thời gian gần đây. Tình hình tiếp tục xấu hơn sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu “đi lạc” của Trung Quốc trong tháng 2-2023 với cáo buộc nghi ngờ có hoạt động do thám. Trong diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc chiến công nghệ, Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp kiềm chế thương mại đối với nhà sản xuất chip Trung Quốc Changxin Memory Technologies (CXMT) sau khi Trung Quốc hồi đầu tuần này cấm bán chip của Micron Technology Inc của Mỹ.
TRẦN ĐẮC LUÂN