Quốc tế

Hiệp ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ các vùng biển

10:19, 21/06/2023 (GMT+7)

Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), còn gọi là Hiệp định về Biển cả. Đây là bước ngoặt lịch sử sau khoảng hai thập niên đàm phán.

Theo CBS News, hiệp định là cơ sở pháp lý để buộc các nước phải có trách nhiệm bảo vệ những vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Các nước phải cam kết không hủy hoại môi trường, đánh bắt cá bền vững và sử dụng có trách nhiệm các vùng biển trên. Hiệp định mới gồm một số điều tiến bộ dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp.

Hiệp định sẽ thiết lập khuôn khổ cho các khu bảo tồn biển ngoài vùng tài phán quốc gia; yêu cầu các nước ký kết báo cáo đánh giá tác động môi trường từ hoạt động trên biển; tạo cơ chế chuyển giao công nghệ biển cho các nước đang phát triển để bảo đảm chia sẻ công bằng lợi ích và tài nguyên từ biển khơi. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, việc thông qua hiệp ước diễn ra vào thời điểm quan trọng khi các đại dương đang bị đe dọa. Ngày 19-6, đa số các nước thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn hiệp định.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn đàm phán, đánh giá hiệp định sẽ củng cố hơn nữa Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương, trở thành dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ LHQ về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững.

THƯ LÊ

.