Tàu hỏa đang "lên ngôi" ở châu Âu?

.

Liên minh châu Âu (EU) được xem là khu vực có hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, trong đó, đường hàng không là sự lựa chọn của rất nhiều hành khách. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự phát triển ngành hàng không, nhất là các chặng bay ngắn từ 500km trở lại hiện là thách thức không nhỏ đối với EU trong việc thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, bởi nó tiêu hao nhiều năng lượng và làm gia tăng phát thải khí carbon.

Với phong trào “flight shame” (tạm dịch: cảm giác ngại hoặc không thoải mái khi di chuyển bằng đường hàng không), nhiều hành khách châu Âu bắt đầu tìm đến mạng lưới đường sắt để thay cho các chặng bay ngắn. Phong trào này khuyến khích hành khách tìm giải pháp di chuyển thân thiện hơn với môi trường, thay vì sử dụng máy bay tốn kém nhiên liệu và tạo lượng lớn khí thải độc hại. Ngành hàng không nói chung hiện chiếm khoảng 2,5% lượng khí thải carbon toàn cầu nhưng sự đóng góp của ngành vào biến đổi khí hậu được ước tính là cao hơn, do các loại khí, hơi nước và vệt khói mà máy bay thải ra.

Gần đây, nhiều nước EU cắt giảm các tuyến đường bay ngắn, đi cùng với đầu tư phát triển tuyến đường sắt cao tốc để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và giảm lượng khí thải. EU cũng yêu cầu các nước thành viên khi cấm, hoặc ngừng các chặng bay ngắn phải có tuyến đường sắt cao tốc thay thế, cũng như các chuyến tàu chạy thời gian nhất định để bảo đảm cho hành khách có thể di chuyển.

Với chủ trương đó, năm 2020, Chính phủ Áo cứu trợ hãng hàng không quốc gia Austrian Airlines đi kèm với điều kiện hãng này phải loại bỏ tất cả chuyến bay mà hành trình đường sắt mất ít hơn 3 tiếng. Ví dụ, tuyến bay Vienna - Salzburg bị cắt bỏ và các dịch vụ tàu hỏa ở chặng này tăng lên để đáp ứng nhu cầu. Tương tự, tuyến ngắn Vienna - Linz cũng chuyển sang đường sắt từ năm 2017. Cùng năm đó, Áo đưa ra mức thuế 32 USD với tất cả các chuyến bay dưới 350km khởi hành từ các sân bay của nước này.

Tây Ban Nha cũng lên kế hoạch để từng bước cắt giảm các chuyến bay mà hành trình tàu hỏa mất ít hơn 2,5 giờ vào năm 2050. Tháng 2-2023, hãng hàng không Ý ITA Airway ký kết hợp tác với nhà điều hành đường sắt quốc gia để chuyển đổi cách thức di chuyển của hành khách trong các chặng bay ngắn. Cũng không nằm ngoài xu hướng đó, Pháp ban hành luật mới cấm các chuyến bay chặng ngắn trên một số tuyến nội địa để cắt giảm mức độ ô nhiễm đang làm nóng hành tinh, trong đó có 3 chặng bay kết nối sân bay Paris Orly với các thành phố Nantes, Lyon và Bordeaux bị loại bỏ.

Theo AP, ngày càng nhiều người châu Âu ủng hộ lệnh cấm các chuyến bay chặng ngắn và chuyển đổi hình thức di chuyển bằng đường sắt. Để đáp ứng sự thay đổi di chuyển của hành khách, nhiều nước châu Âu đang trải qua cuộc cách mạng đường sắt với cải tạo, hình thành các tuyến đường cao tốc, trong đó có các tuyến đường hầm mới để cắt giảm thời gian di chuyển và phát triển đầu máy tàu hỏa mới nhằm cải thiện độ tin cậy và hiệu quả. Đơn cử như ở Đức, ngày 29-5, Chính phủ liên bang lên kế hoạch đầu tư hơn 94 tỷ USD để mở rộng và hiện đại hóa hệ thống đường sắt trong 4 năm tới. Đến năm 2030, lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt ở nước này dự kiến chiếm 25% thị phần.

Với rất nhiều nỗ lực đầu tư vào đường sắt, khuyến khích hành khách thay đổi hình thức di chuyển nên quá trình “tàu hỏa hóa” mạng lưới vận tải của châu Âu đang trên đà tiến triển tốt. Dù rằng, việc thay thế hoàn toàn máy bay trên các chặng bay ngắn bằng tàu hỏa vẫn còn quá trình lâu dài và phải đối mặt với sự thay đổi văn hóa đi lại của hành khách cũng như đòi hỏi nguồn tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, nhưng hướng đi đó đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường phát triển bền vững.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.