Tiềm năng kinh tế số của Đông Nam Á

.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tất cả yếu tố cần thiết để trở thành nền kinh tế số phát triển, trong đó đặc biệt là cơ cấu dân số trẻ, thành thạo công nghệ với hơn 400 triệu khách hàng có giao dịch số và những hoạt động trên internet ngày càng tăng.

ASEAN có tỷ lệ sử dụng internet cao, trên 70%. Ảnh: Getty Images
ASEAN có tỷ lệ sử dụng internet cao, trên 70%. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, đó là nhìn về tổng quan, còn đi vào cụ thể vẫn có khoảng cách nhất định giữa các nước trong khu vực và sự chênh lệch giữa các vùng miền trong một quốc gia. Nhận diện những vướng mắc còn tồn tại để giải quyết thấu đáo sẽ giúp Đông Nam Á có nền kinh tế số mạnh mẽ và hội nhập hơn.

Tầm nhìn chuyển đổi số bao trùm ASEAN

Nền kinh tế số tại 6 quốc gia ASEAN (thường được gọi là ASEAN-6) gồm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6%/năm. Đây là dự báo ước tính được nêu trong báo cáo e-Conomy SEA 2022 mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện. Cũng theo báo cáo, thị trường kinh tế số ở ASEAN-6 sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Dù vậy, vẫn còn những thách thức lớn cần phải vượt qua để tiến trình số hóa nền kinh tế Đông Nam Á trở nên hội nhập và phát triển hơn, trong đó có những khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn, mức độ thông thạo kỹ năng số còn chưa đồng bộ.

Theo ước tính năm 2021 của Ngân hàng thế giới, ASEAN vẫn còn khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị ở mỗi nước. Ngoại trừ Singapore, Malaysia và Brunei, các nước ASEAN còn lại đều có hơn 40% dân số đang sống tại nông thôn. Về kỹ năng công nghệ, ngoại trừ Singapore, một số nước ở Đông Nam Á vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, có tới 75% dân số Campuchia vẫn đang sống tại nông thôn và họ còn khó khăn để tiếp cận các kỹ năng này. Dù tỷ lệ tiếp cận, sử dụng internet tại ASEAN là hơn 75% và hầu hết người dân tại đây đều có smartphone, song điều này không có nghĩa kỹ năng làm việc số đã ở trình độ cao.

“Nền kinh tế số của ASEAN đang mở rộng nhưng vẫn còn số hóa chưa đều. Singapore là thành viên ASEAN có nền kinh tế số phát triển nhất. Với Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan và Việt Nam, họ vẫn còn thiếu một vài chỉ số trong khi Myanmar, Lào và Campuchia thiếu những tiềm năng về số hóa”, ông Anthony Toh, nhà phân tích tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang nhận định.

Mặc dù còn khác biệt và chênh lệch về quy mô, song tuyên bố của chủ tịch ASEAN năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia đầu tháng 5-2023 nêu điều quan trọng và đáng chú ý, đó là “tầm nhìn đạt sự chuyển đổi số bao trùm hướng tới một Cộng đồng kinh tế số ASEAN vào năm 2045”.

Cần các khuôn khổ quản lý số

Singapore và Malaysia là hai quốc gia trội hơn cả trong ASEAN-6 về những chỉ số hội nhập số, theo báo cáo Chỉ số hội nhập số ASEAN năm 2021. Trong đó, Brunei, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam còn thiếu một hoặc vài chỉ số như bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thanh toán số và các kỹ năng số, đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và sự sẵn sàng về hạ tầng. Trong khi đó, Campuchia, Lào và Myanmar đang có mức điểm dưới trung bình theo thang đánh giá, do đó phải vượt hành trình nhiều thách thức hơn để theo kịp các nỗ lực hội nhập số trong khu vực. Ông Toh cho rằng, Myanmar sẽ tụt xa lại phía sau so với các nước ASEAN khác nếu nhìn vào tình hình khủng hoảng kể từ sau biến cố chính trị từ tháng 2-2021 tới nay vẫn chưa có lối ra.

CNBC dẫn lời ông Kenddrick Chan, học giả tại Viện Portulans, viện nghiên cứu độc lập tại Washington cho biết: “Để tham gia nền kinh tế số, điều quan trọng là phải có các khuôn khổ quản lý cơ bản. Nguyên nhân của sự phát triển không đều này là do sự phân phối chưa đồng đều của các lợi ích từ nền kinh tế số. Vì các nước khác nhau đang ở những giai đoạn phát triển các khuôn khổ quản lý nền kinh tế số này”.

ASEAN đã xây dựng các chính sách và khuôn khổ quan trọng, như Kế hoạch Kinh tế số tổng thể (Digital Master Plan 2025), và Kế hoạch Tổng thể về kết nối toàn bộ khu vực ASEAN (MPAC/Master Plan on ASEAN Connectivity). Đây là những nền tảng cho hoạt động hợp tác số để chính phủ các nước trong khu vực phối hợp hành động. Ông Chan cho rằng, điều quan trọng nhất là các nước cần có chung ý tưởng hay những điều khoản chung, chẳng hạn về cách thức chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Trong khi Singapore có điều luật bảo đảm quyền riêng tư, chuyển dữ liệu tài chính xuyên biên giới an toàn, Campuchia thì chưa có.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.