Quốc tế

Tiết kiệm điện: Khẩu hiệu trong mùa nắng nóng ở châu Á

08:44, 14/06/2023 (GMT+7)

Nhiều thành phố lớn ở châu Á khẩn trương kêu gọi doanh nghiệp và người dân giảm sử dụng điện càng nhiều càng tốt trong bối cảnh lưới điện rơi vào tình trạng quá tải do nắng nóng kéo dài triền miên.

Tháp Tokyo (Nhật Bản) và các tòa nhà xung quanh được tắt bớt đèn để tiết kiệm điện. Ảnh: Reuters.
Tháp Tokyo (Nhật Bản) và các tòa nhà xung quanh được tắt bớt đèn để tiết kiệm điện. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, các thành phố phía nam Trung Quốc, nổi tiếng với các nhà máy công nghiệp và lọc dầu, đang khẩn trương yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp tích cực giảm mức tiêu thụ điện và tăng cường chuyển đổi sang công nghệ tiết kiệm năng lượng khi khu vực này đang đối mặt với nắng nóng gay gắt trong những tuần qua. Đầu tháng 6-2023, nhiệt độ ở khu vực này ở mức 35°C, có nơi lên tới 40°C. Phụ tải điện tại các trung tâm sản xuất chính ở miền nam lên mức cao lịch sử do nhu cầu sử dụng điều hòa tăng vọt. Công ty Điện lực Miền Nam, một trong hai nhà điều hành lưới điện của Trung Quốc, ghi nhận sản lượng đạt 222 triệu kilowatt (kW), mức cao trong lịch sử.

Chính quyền thành phố Mậu Danh, phía tây nam tỉnh Quảng Đông, nơi tập trung nhiều cơ sở lọc dầu, đề xuất cắt giảm sử dụng điện không cần thiết khi tiêu thụ điện tại tăng hơn 8% từ tháng 1 đến tháng 5-2023. Mức tiêu thụ điện sinh hoạt tăng hơn 27% trong tháng 5-2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chức Giang Môn, thành phố công nghiệp khác ở Quảng Đông, cũng đưa ra lời kêu gọi cấp thiết tương tự trong bối cảnh mức tiêu thụ điện đã lên đỉnh điểm. Tại tỉnh Hải Nam, chính quyền ban hành kế hoạch kêu gọi hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm sau khi phụ tải điện lần đầu tiên tăng trên 7 triệu kW vào đầu tháng 6-2023. Trong 4 tháng đầu năm 2023, mức tiêu thụ điện ở tỉnh này tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Jiji Press, trong động thái tương tự, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các hộ gia đình và các doanh nghiệp sản xuất tại Tokyo và những vùng lân cận khẩn trương thực hành tiết kiệm điện ở mức hợp lý trong tháng 7 và tháng 8-2023, thời điểm nắng nóng nhất trong năm trong bối cảnh tỷ lệ nguồn cung dự phòng ước tính sát mức tối thiểu để duy trì nguồn cung ổn định. “Nhiều hành động nhỏ gộp lại sẽ tác động lớn đến tiết kiệm điện. Chúng tôi kêu gọi tiết kiệm điện nhưng cũng cần cảnh giác trước tình trạng sốc nhiệt”, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi nói. Theo dự báo, trong trường hợp xảy ra đợt nắng nóng nhất trong vòng một thập kỷ, tỷ lệ dự trữ của Công ty Điện lực Tokyo sẽ giảm xuống còn 3,1% trong tháng 7 và 4,8% trong tháng 8-2023. Theo tính toán, tỷ lệ dự trữ điện cần bảo đảm trên mức 3% nếu không sẽ xảy ra nguy cơ thiếu điện hoặc phải cắt điện luân phiên.

Tháng trước, nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện của người dân tăng vọt buộc chính quyền Seoul phát động chiến dịch tiết kiệm. Một trong những mục tiêu là mỗi gia đình tiết kiệm một kWh/ngày, qua đó có thể tiết kiệm khoảng 10% năng lượng mỗi tháng và 100.000 won (gần 1,8 triệu đồng) tiền điện mỗi năm. Những mẹo tiết kiệm điện thường xuyên được chia sẻ qua đài phát thanh, truyền hình, phương tiện truyền thông.

Trong khi đó, Bangladesh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong thập niên qua do thiếu nhiên liệu dẫn đến sụt giảm mạnh nguồn cung. Theo AP, nước này buộc phải cắt điện 114 ngày trong 5 tháng đầu năm 2023. Thực trạng này tác động nghiêm trọng đến đất nước vốn là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, cung cấp cho các nhà bán lẻ toàn cầu như Walmart, H&M và Zara.

Trong bối cảnh một số nơi đang “khát” điện, Công ty khởi nghiệp Satellite Vu (Vương quốc Anh) “trình làng” vệ tinh HotSat-1 có khả năng đo lượng nhiệt tỏa ra từ các tòa nhà khi đang bay ở độ cao 500km, qua đó giúp gia chủ và chính quyền phát hiện những tòa nhà có dấu hiệu rò rỉ năng lượng. “Chúng tôi đang giới thiệu nhiệt kế đầu tiên trên bầu trời. Đó là chùm gồm 8 vệ tinh có thể đo nhiệt lượng tỏa ra từ bất kỳ tòa nhà nào trên hành tinh”, lãnh đạo công ty cho biết.

Nghịch lý về điều hòa ở Singapore
“Bạn không thể sống thiếu điều hòa ở Singapore, không thể với sức nóng đó”, một người Singapore nói với The Guardian. Nằm cách đường xích đạo khoảng hơn 100km về phía bắc, quốc đảo này nổi tiếng nóng và ẩm. Đây cũng là nước có số điều hòa trên đầu người nằm ở top đầu thế giới và cao nhất ở Đông Nam Á. “Tình yêu điều hòa” khiến quốc gia này ở trong vòng luẩn quẩn: “nóng - bật điều hòa - thời tiết càng nóng”. Theo các chuyên gia, đó là “nghịch lý Catch 22” của biến đổi khí hậu mà tất cả quốc gia dựa vào điều hòa không khí phải đối mặt. Nhiệt độ tăng ở Singapore không chỉ là do sự ấm lên toàn cầu. Hiệu ứng Đảo nhiệt đô thị, tức khu vực đô thị hóa cao có nhiệt độ cao hơn so với các nơi xung quanh, là một trong số nguyên nhân. Trong khi đó, dù nhiệt độ có khi lên đến 40oC nhưng chỉ có 1/10 hộ gia đình ở liên minh châu Âu, khu vực thịnh vượng bậc nhất thế giới, lắp điều hòa. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, điều hòa không khí và quạt điện hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ toàn cầu.

THƯ LÊ

.