Quốc tế

WEF Thiên Tân: Đương đầu với "cơn gió ngược" cản trở tăng trưởng

09:35, 28/06/2023 (GMT+7)

Sáng 27-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) và phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề “Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh”.

Quang cảnh phiên toàn thể của WEF Thiên Tân ngày 27-6. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên toàn thể của WEF Thiên Tân ngày 27-6. Ảnh: TTXVN

Cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Một là suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hai là hậu quả của Covid-19 đối với kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài. Ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu liên kết chặt chẽ. Bốn là các cuộc xung đột, trong đó có xung đột ở Ukraine, đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Năm là các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước cú sốc từ bên ngoài. Sáu là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Để đương đầu với các “cơn gió ngược,” Thủ tướng đưa ra cách tiếp cận và 6 định hướng quan trọng. Về cách tiếp cận, đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Về các định hướng, thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, nguồn lực, động lực phát triển. Thứ hai, phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm; khơi thông nguồn lực, kích hoạt động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển. Thứ ba, có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực. Thứ tư, không chính trị hóa quan hệ kinh tế, giảm thiểu yếu tố cản trở sự phát triển toàn cầu. Thứ năm, sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột. Thứ sáu, tăng cường hợp tác công-tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng-thể chế-nhân lực; quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nên trân trọng sự cởi mở và hợp tác

Global Times dẫn phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại phiên khai mạc WEF Thiên Tân kêu gọi thế giới trân trọng sự cởi mở và hợp tác sau khi trải qua những trục trặc trong toàn cầu hóa kinh tế; trao đổi chân thành và hiệu quả, tăng cường hiểu biết và giảm xung đột; hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu như quản trị y tế công cộng, biến đổi khí hậu, nợ gia tăng và tăng trưởng chậm… Hợp tác giữa các nước, phát huy lợi thế bổ sung cho nhau là yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất và là xu thế lịch sử không thể đảo ngược. Bầu không khí chính trị quốc tế càng căng thẳng thì động lực tìm kiếm hợp tác phải càng lớn. “Các nước nên tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, giảm đánh giá sai lầm, tuân thủ lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi, tăng cường hội nhập, cùng vượt qua thách thức chung và tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn”, ông Lý Cường nói.

Diễn đàn năm nay là cơ hội để cung cấp góc nhìn sâu rộng hơn về cỗ máy kinh tế và chủ trương mở cửa tiêu chuẩn cao của Trung Quốc, đồng thời khẳng định vai trò của cường quốc này là động lực phục hồi và tăng trưởng toàn cầu, là điểm tựa cho ổn định kinh tế và toàn cầu hóa trong lúc rủi ro suy thoái rình rập và quỹ đạo phục hồi toàn cầu vẫn chưa chắc chắn. Theo đó, Trung Quốc sẽ kiên định con đường phát triển hòa bình, mở rộng thị trường ở mức độ cao và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để thúc đẩy nền kinh tế thế giới mở và xây dựng cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh. Đáng chú ý, ông Lý Cường cảnh báo, các động thái của phương Tây nhằm loại bỏ rủi ro hoặc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là “những đề xuất sai lầm”. Quỹ Tiền tệ quốc tế gần đây cảnh báo, sự phân mảnh địa chính trị ngày càng tăng có thể làm giảm sản lượng toàn cầu xuống 2% trong thời gian dài và đẩy thêm nhiều nước vào suy thoái.

Làn gió mới từ “Diễn đàn Davos mùa hè”

WEF Thiên Tân, còn được gọi là “Diễn đàn Davos mùa hè”, diễn ra từ ngày 27 đến 29-6, thu hút sự tham dự đông đảo của hơn 1.500 đại biểu từ gần 100 quốc gia và khu vực. Không giống như sự kiện “Davos mùa đông” ở Thụy Sĩ, “Davos mùa hè” tập trung nhiều hơn vào vai trò tiên phong, chủ yếu của các công ty đổi mới công nghệ đang phát triển mạnh mẽ toàn cầu.

Trong bối cảnh còn nhiều lo ngại và bất định về triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như căng thẳng địa chính trị làm xói mòn cơ sở hợp tác, làn gió mới từ “Diễn đàn Davos mùa hè” được kỳ vọng giúp xua tan sự u ám và đưa ra định hướng rõ ràng hơn cho phát triển toàn cầu. Với chủ đề “Tinh thần doanh nhân: Động lực của kinh tế thế giới”, WEF Thiên Tân tiếp tục tinh thần tìm kiếm sự đổi mới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của khơi dậy tinh thần kinh doanh và sức sống của các doanh nghiệp với tư cách là tác nhân chính của sự đổi mới trong thời kỳ chuyển đổi.  

TTXVN - THƯ LÊ

.