Đà Nẵng cuối tuần

El Nino trở lại

16:26, 24/06/2023 (GMT+7)

El Nino trở lại giữa lúc thế giới đang đối mặt với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế cao. Nhiều người lo ngại rằng, 2023 có thể trở thành năm nóng nhất được ghi nhận.

Khói mù do cháy rừng ở Canada bao trùm thành phố New York (Mỹ) ngày 7-6. Ảnh: CNBC
Khói mù do cháy rừng ở Canada bao trùm thành phố New York (Mỹ) ngày 7-6. Ảnh: CNBC

El Nino là hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở vùng xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 2-7 năm/lần. Trận El Nino lớn gần đây nhất xảy ra vào năm 2016 và đó cũng là năm nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận. Theo các nhà nghiên cứu, suốt 7 năm qua, nhiệt độ toàn cầu cứ ngày một gia tăng.

Năm nóng nhất trong lịch sử

Năm 2021, mùa hè nắng nóng khắc nghiệt nhất ở Bắc Mỹ khiến các con đường bị cong vênh và làm gia tăng đột biến số ca cấp cứu ở Mỹ. Năm 2022, Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng kỷ lục diện rộng, kéo dài hơn 70 ngày. Nhà khí tượng học Maximiliano Herrera cho rằng, đợt nắng nóng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể là đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận.

Tại Anh, đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 7-2022 lần đầu tiên khiến nhiệt độ ở quốc gia nổi tiếng mát mẻ và nhiều mây tăng hơn 40 độ C. Theo các chuyên gia, tình trạng này hầu như không thể xảy ra ở Anh nếu không có biến đổi khí hậu. Tháng 5-2023, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo 5 năm tới sẽ có thời tiết nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino. Song, theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU), 11 ngày đầu tiên của tháng 6-2023 có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận với một khoảng cách lớn.

Đây cũng là lần đầu tiên mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6 vượt mốc 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900), tức hơn cả mức giới hạn được nêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tình trạng ấm nóng toàn cầu.

Ông Friederike Otto - giảng viên tại Viện Nghiên cứu Grantham, Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng, nếu xuất hiện El Nino, nhiều khả năng năm 2023 sẽ nóng hơn năm 2016 vì thế giới vẫn nóng lên và con người tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận El Nino chính thức quay lại và nhiều khả năng sẽ kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay.

“Hiện tượng El Nino trở lại sau nhiều năm có thể sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến, thậm chí phá kỷ lục nắng nóng”, ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký WMO cũng nêu nhận định.

Hàng loạt quốc gia châu Á đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục lên tới 45 độ C. Giữa tháng 6-2023, chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) ban bố cảnh báo nắng nóng màu cam, tức chỉ sau mức màu đỏ cực đại. Nhiệt độ mặt đường đo được từ 12-17 giờ ở nhiều khu vực nội ô luôn trên 50 độ C. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - dự báo nhiệt độ cao hơn mức trung bình hằng năm khoảng 1 độ C sẽ duy trì từ tháng 6 đến tháng 8 và có nguy cơ xảy ra hạn hán nghiêm trọng.

Đến lúc thức tỉnh và hành động mạnh mẽ

Các nhà nghiên cứu ước tính El Nino riêng trong năm 2023 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại lên đến 3.000 tỷ USD. Các đợt El Nino năm 1982-1983 và 1997-1998 đã khiến thế giới mất lần lượt 4.100 tỷ USD và 5.700 tỷ USD trong vòng hơn 5 năm sau đó. “Có những suy thoái dai dẳng trong tăng trưởng kinh tế kéo dài trong 5, thậm chí 10 năm sau những sự kiện này”, học giả Chris Callahan tại Đại học Dartmouth (Mỹ) nói.

Với hiện tượng El Nino, giá một tách cà phê cũng sẽ gia tăng bởi sản lượng cà phê giảm ở Việt Nam và Indonesia - hai nước sản xuất cà phê robusta lớn. Hầu hết tổn thất đều thuộc về các quốc gia ở gần hiện tượng El Nino, thường là các quốc gia đang phát triển hoặc có thu nhập thấp hơn, trong khi đối với hầu hết các nước giàu, tổn thất do thiên tai chiếm chưa tới 0,1% GDP. Bà Bhargavi Sakthivel - chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics cho rằng, El Nino xuất hiện không đúng lúc, khi thế giới đang đối mặt với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế cao.

Khảo sát của Bloomberg cho thấy, người dân nhiều nước xem tình trạng biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng và đáng quan tâm không khác gì khủng hoảng tài chính. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guttieres mới đây đã kêu gọi các quốc gia G20 (nhóm các nền kinh tế lớn và đang phát triển) đẩy nhanh thời gian hoàn thành mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2040. “Đã đến lúc thức tỉnh và hành động mạnh mẽ. Việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C vẫn có thể thực hiện được”, ông nói.

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra vào tháng 11-2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được kỳ vọng đưa cuộc chiến chống biến đối khí hậu về lại đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa từ lời nói đến hành động. Điều mà thế giới cần trong lúc này là nhiều hành động thực chất, có trách nhiệm, để bảo vệ môi trường sống và kiềm chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C.

KHÁNH LINH (theo CNN, CNBC, Bloomberg)

.