Quốc tế

Hậu quả chính trị từ các cuộc bạo loạn ở Pháp

14:55, 06/07/2023 (GMT+7)

Tình trạng khó khăn hiện tại của Pháp, được nhấn mạnh bởi cuộc biểu tình bạo loạn nổ ra gần đây và cuộc đối đầu chính trị gay gắt diễn ra sau đó, có thể dẫn đến những hậu quả đối với các cuộc bầu cử quan trọng.

Cảnh sát Pháp đụng độ với người biểu tình trên đường phố. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Pháp đụng độ với người biểu tình trên đường phố. Ảnh: Reuters

Kể từ khi những cuộc bạo loạn nổ ra trên khắp cả nước để phản ứng lại việc một thiếu niên bị cảnh sát bắn chết vì không tuân thủ quy định kiểm tra giao thông, căng thẳng đã lên rất cao.

Vấn đề nội tại

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khoảng một phần ba những người biểu tình bị bắt đều rất trẻ, ở độ tuổi trung bình 17. Theo lãnh đạo nước Pháp, điều này cho thấy Internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh-thiếu niên.

Đây không phải là lần đầu người dân Pháp nổi cơn thịnh nộ, ra đường biểu tình. Vụ biểu tình “Áo vàng” năm 2018 làm “tê liệt” phần lớn nước này. Cảnh sát Pháp cũng phải căng mình ứng phó bạo lực liên quan đến cải cách hưu trí mới đây.

Tiến sĩ Karin Kneissl, người đứng đầu tổ chức tư vấn GORKI, cựu Ngoại trưởng Áo, cho rằng mặc dù nước Pháp thường xuyên trở thành tâm điểm quốc tế với những cuộc bạo loạn như vậy, tuy nhiên, lỗi không chỉ thuộc về chính quyền. Vấn đề ở đây được cho là xuất phát từ tình trạng di cư không kiểm soát.

Pháp đã trở thành quốc gia mà những người di cư coi là của họ: Người di cư không đồng hóa, không tuân theo các quy tắc, không tuân thủ các yêu cầu của cảnh sát Pháp và tin rằng cảnh sát Pháp, những người thực thi pháp luật, xâm phạm quyền của họ.

Vụ việc thiếu niên bị cảnh sát bắn chết rõ ràng phản ánh sự phẫn nộ của những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư có thu nhập thấp sinh sống trong những khu nhà giống như khu ổ chuột ở vùng ngoại ô Pháp.

Nhưng những gì đang diễn ra ở Pháp dường như không phải là sự cố cá biệt mà phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong chính sách, quan hệ chủng tộc và xã hội của Pháp. Cơ quan giám sát nhân quyền Liên hợp quốc cho rằng, vụ việc này là lời cảnh tỉnh, đòi hỏi Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.

Tranh cãi chính trị

Vụ việc trên cũng là chủ đề gây tranh luận sôi nổi trên chính trường Pháp. Tại Quốc hội, một bên thì đề nghị không kích động thêm thù hận, bên kia thì hối thúc đưa ra phản ứng kiên quyết với tình trạng bạo lực lặp đi lặp lại.

Hiện mặc dù căng thẳng trên đường phố đang giảm bớt khi số vụ bắt giữ và hành vi phá hoại giảm đi, thì trong lĩnh vực chính trị, cuộc tranh luận chỉ ngày càng gay gắt.

Theo bình luận của mạng tin châu Âu Euractiv ngày 5-7, thực tế cho thấy bối cảnh hiện tại khác xa với “đoàn kết dân tộc” mà một số người đã kêu gọi trong tuần qua. Như với hầu hết các cuộc khủng hoảng, dù là trong nước hay quốc tế, các chính trị gia trong nước luôn tìm cách vũ khí hóa chúng để đạt được lợi ích chính trị.

Phe cánh tả cấp tiến, do Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo của đảng La France Insoumise (LFI) dẫn đầu, ban đầu từ chối kêu gọi làm dịu tình hình, thay vào đó nhấn mạnh công lý cho thiếu niên bị thiệt mạng. Động thái này đã gây ra làn sóng chấn động giữa các đảng chính trị và trong chính lực lượng cánh tả.

Chủ tịch đảng Rally National (trước đây là Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen), Jordan Bardella, gọi lãnh đạo LFI Jean-Luc Mélenchon là "mối nguy hiểm cho công chúng" và tố cáo "những lời kêu gọi nổi dậy" với "hy vọng đạt được những lợi ích bầu cử".

Hậu quả từ những tuyên bố như vậy của ông Mélenchon và một số người khác minh họa cho sự rạn nứt giữa các đảng phái khác nhau của phe cánh tả - từ đảng xanh đến những người theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản ôn hòa hơn.

Một số người gọi đó là lời "kêu gọi nổi dậy", trong khi những người khác gọi đó là sự "trút giận hoặc mất kiểm soát. Nhưng sự thật là, các cuộc bạo loạn liên quan đến một thiểu số nhỏ dân số, chỉ vài trăm người ở mỗi thị trấn có dân số hàng chục nghìn người.

Mặc dù những hình ảnh mà chúng ta đã thấy trên các phương tiện truyền thông gây sốc và bạo lực là không thể tha thứ, nhưng điều đó khó có thể coi là cuộc cách mạng mà một số người đã tìm cách thúc đẩy.

Hôm 2-7, thị trưởng của l'Haÿ-les-Roses, nạn nhân của một vụ ám sát của những kẻ bạo loạn, đã nói về "đa số im lặng" với bạo lực và vũ khí hóa chính trị sau đó.

Khi một số thành viên cánh hữu của Pháp nói về “sự bất ổn” và “nội chiến”, họ đã đổ thêm dầu vào lửa và chỉ trích những thị trấn vốn đã bị kỳ thị vì hành động của các nhóm bạo lực.

Chưa kể những thông tin được một số phương tiện truyền thông đăng tải, những người ngay khi sự cố, cuộc tấn công hoặc bạo loạn đầu tiên xảy ra ở Pháp, đã tận dụng cơ hội để tấn công mô hình hội nhập của Pháp - một lần nữa, bằng cách khái quát hóa.

Tất cả hậu quả chính trị này có thể là cơ hội đối với Marine Le Pen và đảng cực hữu của bà, Rassemblement National. Đối mặt với tình trạng hỗn loạn của cánh tả và cánh hữu, bà Le Pen đã duy trì lập trường ôn hòa một cách đáng ngạc nhiên, khác xa với những người kêu gọi tình trạng khẩn cấp và nói về cuộc nổi dậy.

Đối mặt với điều này, phe cánh tả có thể lo ngại rằng họ sẽ không được lắng nghe phe cực hữu sẽ được coi là giải pháp thay thế duy nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Thật vậy, nếu một cử tri vỡ mộng quay lưng lại với những tranh cãi, điều này có thể sẽ có lợi trực tiếp với Rassemblement National và bà Marine Le Pen.

Theo Báo Tin tức

.