Quốc tế
Khi AI khuấy động chính trường...
Bên cạnh tác động mạnh mẽ thị trường việc làm, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang tạo mối lo lớn trên chính trường các nước phương Tây. Các chính trị gia tận dụng công nghệ này để cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khi cử tri hoang mang trước tình trạng sản xuất và lan truyền nhanh chóng thông tin sai lệch trong chiến dịch tranh cử, và đến lúc nào đó có thể đặt cỗ máy chính trị vào tình thế nguy hiểm khó lường.
Tuyên bố từ người đứng đầu chính sách bảo mật tại Meta Platforms về một video giả mạo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP |
Công cụ đắc lực trong chiến dịch tranh cử
Theo Bloomberg, tháng 4-2023, dư luận Mỹ xôn xao trước việc Ủy ban toàn quốc của đảng Cộng hòa (RNC) đăng đoạn quảng cáo “khiêu khích” đảng Dân chủ khi mô tả hình ảnh hàng loạt ngân hàng ở Mỹ bị cướp phá và việc thi hành thiết quân luật ở San Francisco dưới sự giám sát của Tổng thống Joe Biden. Dĩ nhiên, những hình ảnh trong quảng cáo không có thật và các tình huống rõ ràng hư cấu. Song, với sức mạnh của AI, những hình ảnh này trông giống như đời thực. Dù đoạn quảng cáo ghi rõ nội dung “Được dựng hoàn toàn bởi AI” nhưng hạ nghị sĩ Yvette Clarke của đảng Dân chủ chỉ trích: “Điều này đang đi quá xa”. Tiếng nói của Clarke có thể bị Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phớt lờ nhưng nó cho thấy mức độ tiến bộ nhanh chóng của AI đang đặt chính trường vào thế khó. Tháng trước, Ủy ban Bầu cử liên bang Mỹ lâm vào bế tắc khi không thể thông qua quy tắc chung áp dụng trong quảng cáo chính trị do AI tạo ra.
Các cử tri ở Mỹ và các nước khác đang bị “ngập” trong nội dung vận động tranh cử do AI tạo ra. Chỉ cần nhấp vào email yêu cầu quyên góp chiến dịch vận động, họ có thể nhận tin nhắn soạn thảo bởi ChatGPT. Các chính khách tham gia tranh cử cũng tăng cường sử dụng AI để đẩy nhanh tiến độ công việc quan trọng như phân tích danh sách cử tri để gửi email và thậm chí viết bài phát biểu và các hoạt động truyền thông chính trị khác. Giờ đây, chiến dịch vận động tranh cử non trẻ với nguồn tài chính eo hẹp có thể sử dụng AI để sản xuất nội dung vận động cử tri với chi phí rẻ. Các trình tạo nghệ thuật như Midjourney, chương trình AI tạo hình ảnh siêu thực dựa trên lời nhắc văn bản, có khả năng tăng năng suất hoặc thậm chí thay thế công việc của các nhóm sáng tạo vốn có thể tiêu tốn hàng nghìn USD trước đây. Thật khó để xác định có bao nhiêu vị trí công việc được thay thế, song các nhà nghiên cứu cho rằng, AI sẽ “chiếm” việc làm của các chuyên gia pháp lý và nhân viên hành chính trong bộ máy chính quyền.
“Bóng ma” deepfake
30 năm trước, photoshop xuất hiện, làm thay đổi cách con người tiếp nhận tin tức. Giờ đây, deepfake trỗi dậy và “đâm thủng” thành trì tiếp theo của internet. Thực tế đáng lo chính là tình trạng AI tăng cường phổ biến thông tin sai lệch trong các chiến dịch vận động khi có khả năng tạo “deepfakes” nhanh chóng với hình ảnh và video giả mạo mà các đặc vụ chính trị dự đoán, đến một lúc nào đó, con người sẽ không thể phân biệt thật - giả. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của deepfake, đặc biệt người nổi tiếng và chính trị gia. Theo AP, tháng 6-2023, chiến dịch tranh cử tổng thống của Thống đốc Florida Ron DeSantis đăng đoạn quảng cáo trực tuyến có hình ảnh do AI tạo ra về hình ảnh thân mật giữa cựu Tổng thống Donald Trump và bác sĩ “quốc dân” Anthony Fauci, người bị đảng Cộng hòa chỉ trích do những khuyến nghị sức khỏe gây tranh cãi của ông trong Covid-19. Sự việc khiến các chuyên gia lo ngại, AI sẽ khiến cử tri hoang mang trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Và cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” deepfake, ở Đức, một đảng cực hữu vốn mang nặng tư tưởng chống di cư đăng hình ảnh do AI tạo ra về nhóm người nhập cư có hành động chống đối chính quyền. Theo ông Juri Schnoller, Giám đốc điều hành Cosmonauts & Kings (Đức), vụ việc cho thấy AI được tận dụng triệt để nhằm phục vụ mục đích chính trị. Ông Schnoller ví von: “AI có thể cứu hoặc phá hủy nền dân chủ. Nó giống như con dao hai lưỡi: có thể làm hại bạn hoặc có thể nấu bữa tối ngon nhất”.
Trước sức ép của công chúng, các “gã khổng lồ” công nghệ nỗ lực tìm cách kiểm soát sự tràn lan của deepfake. Chẳng hạn, Microsoft Corp. cam kết giải pháp làm mờ hình ảnh được tạo bằng công cụ AI của họ để giúp người dùng nhận ra đó là giả. Tượng tự, giới chức châu Âu đang thúc ép các công ty như Google, Meta Platforms Inc. gắn nhãn nội dung và hình ảnh do AI tạo ra. Tại Trung Quốc, giới chức đang tích cực áp đặt các quy tắc mới đối với các công ty công nghệ để bảo đảm Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát AI và thông tin liên quan có sẵn trong nước. Mọi mô hình AI phải gửi để Chính phủ xem xét trước khi “trình làng” và nội dung AI phải được dán nhãn ở vị trí dễ nhận biết.
Theo DeepMedia, số lượng video deepfake các loại nhiều gấp ba lần và số lượng deepfake giọng nói được đăng trực tuyến năm 2023 nhiều gấp ba lần so với năm 2022. Ước tính, khoảng 500.000 video và giọng nói deepfakes sẽ được chia sẻ trên mạng xã hội toàn cầu năm 2023. Việc nhân bản giọng nói từng tốn 10.000 USD cho máy chủ và chi phí đào tạo AI cho đến cuối năm ngoái, nhưng giờ đây các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ này với giá chỉ vài USD. |
THƯ LÊ