Quốc tế

Tương lai khó đoán trên chính trường Thái Lan

08:43, 21/07/2023 (GMT+7)

Sau những tranh cãi và bế tắc trên chính trường gần đây, cử tri cũng như giới doanh nghiệp Thái Lan lại phải tiếp tục ngóng chờ tân thủ tướng lộ diện sau vòng bầu cử tiếp theo tại Quốc hội ngày 27-7. Sự ổn định chính trị rõ ràng sẽ là chìa khóa giúp xứ Chùa Vàng có thể tập trung vào thiết lập và thực hiện các mục tiêu dài hạn để bứt tốc trở lại.

Ba ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai. Ảnh: Thai PBS World
Ba ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai. Ảnh: Thai PBS World

Sự thất bại gần đây của lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat mở ra cơ hội cho các gương mặt chủ chốt thuộc các đảng khác trong cuộc bỏ phiếu ngày 27-7. Tài phiệt Srettha Thavisin, “công chúa” Paetongtarn Shinawatra (cùng thuộc đảng Pheu Thai-Vì người Thái), ông Prawit Wongsuwan, lãnh đạo đảng Palang Pracharathdo quân đội hậu thuẫn, là những ứng viên tiềm năng cho cương vị thủ tướng.

Cờ đang đến tay Pheu Thai?

Theo Bangkok Post, ngày 20-7, đảng Pheu Thai, đảng lớn thứ hai trong liên minh 8 đảng cùng với MFP, đang nắm thế chủ động trong nỗ lực thành lập chính phủ mới sau khi lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat bị đình chỉ tư cách nghị sĩ và tước tư cách ứng viên thủ tướng. Đảng Pheu Thai hiện đứng trước hai lựa chọn: tiếp tục sát cánh cùng MFP theo như biên bản ghi nhớ ký tháng 5-2023 hoặc bắt tay với các đảng của chính phủ đương nhiệm để thành lập liên minh mới. Các đảng nhiều khả năng sẽ lập liên minh với đảng Pheu Thai gồm Bhumjaithai, Palang Pracharathdo và Chartthaipattana bởi các đảng này đều ủng hộ đảng Pheu Thai. 

Theo Hiến pháp Thái Lan, bất kỳ ứng viên Thủ tướng nào cũng phải giành được ít nhất 375 phiếu bầu trong cuộc họp chung của cơ quan lập pháp lưỡng viện, gồm Thượng viện có 250 thành viên và Hạ viện có 500 thành viên. Nếu phối hợp, liên minh 4 đảng nói trên sẽ chiếm 282 ghế tại Hạ viện, đủ để thành lập chính phủ ổn định. Bên cạnh đó, vì hầu hết các thượng nghị sĩ Thái Lan có quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo đảng Palang Pracharathdo nên nhiều khả năng họ sẽ ủng hộ ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai. Tuy nhiên, nếu bắt tay với 3 đảng này, đảng Pheu Thai có thể phải tìm cách chấm dứt thỏa thuận với MFP bởi 3 đảng này đều phản đối chủ trương sửa Luật Khi quân của MFP.

Ngày 20-7, ứng cử viên thủ tướng của Pheu Thai Srettha Thavisin cho biết sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ thay đổi nào đối với Luật Khi quân (xúc phạm quốc vương) (Mục 112 của Bộ luật Hình sự) nếu đảng này thành lập chính phủ mới. Động thái này cho thấy đảng Pheu Thai đang muốn nhận ủng hộ từ các đảng chính trị và thượng nghị sĩ trong cuộc bỏ phiếu ngày 27-7 bằng mọi giá.

Những mối lo lớn dần

Theo giới quan sát, Thái Lan chuẩn bị đối mặt với nhiều biến động chính trị lớn hơn sau những tranh cãi, bất đồng trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng ngày 19-7. Những cử tri ủng hộ ông Pita lên kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình với sự tham gia của 100.000 người tại các tòa nhà chính phủ để lên án việc ông bị loại khỏi cuộc đua.

Diễn biến hiện nay thực sự có những điểm tương đồng kỳ lạ với những gì đã từng xảy ra trước đó với “tỷ phú thường dân” Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng tiền nhiệm của MFP. Lúc bấy giờ, Thanathorn bị tòa án kết tội nắm giữ cổ phần truyền thông và bị tước tư cách nghị sĩ. Đảng của ông sau đó bị giải thể trong vụ kiện khác, châm ngòi biểu tình năm 2020, dẫn đến làn sóng kêu gọi cải cách chế độ quân chủ chưa từng có. Lo ngại trước nguy cơ bất ổn xã hội, ngày 20-7, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-o-cha kêu gọi người dân bình tĩnh, mong muốn tất cả các bên bày tỏ quan điểm chính trị một cách hòa bình, trong khuôn khổ pháp quyền và không bạo lực.

Bloomberg nhận định, việc chậm trễ trong việc hình thành chính phủ mới ở Thái Lan sẽ ảnh hưởng quy trình thông qua ngân sách tài khóa bắt đầu từ ngày 1-10 trong bối cảnh kinh tế đang quay cuồng vì xuất khẩu chững lại. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình cũng là mối lo lớn đối với ngành du lịch, động lực tăng trưởng duy nhất đang “chạy” hết công suất với kỳ vọng đón 35 triệu lượt du khách nước ngoài đến cuối năm nay.

Các nhà đầu tư ở Thái Lan từ lâu đã quen với những biến động chính trị ở xứ Chùa Vàng nhưng chuyển biến gần đây khiến họ càng bất an. Suy thoái kinh tế trong nước và tình hình chính trị bất ổn có thể ngăn cản làn sóng từ nước ngoài vào Thái Lan. Hiện, rất nhiều doanh nhân muốn xem ai sẽ là nhà lãnh đạo mới của đất nước và chính phủ mới sẽ thực thi những chính sách gì trước khi họ đưa ra quyết định về các dự án đầu tư. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, mức tăng trưởng GDP Thái Lan chỉ ở mức 3,7% năm 2024, gần bằng một nửa tốc độ mà nước này cần để gia nhập nhóm nước có thu nhập cao. Và đó hẳn là thất bại “kép”.

"Chúng tôi không loại trừ khả năng việc lựa chọn thủ tướng sẽ kéo dài sang tháng 8-2023. Và những rắc rối trên chính trường sẽ tiếp tục gia tăng ngay cả sau khi quá trình lựa chọn này kết thúc bởi vẫn còn phải xem cử tri sẽ nhìn nhận và phản ứng về khả năng lãnh đạo của tân thủ tướng như thế nào”.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế học tại Standard Chartered Bank Plc, nhận định với Bangkok Post

THƯ LÊ

.