Quốc tế
Việc Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc có đáng lo?
Nga tuyên bố không gia hạn thỏa thuận quốc tế vốn cho phép vận chuyển an toàn ngũ cốc Ukraine thông qua các cảng ở Biển Đen sau khi hết hạn vào ngày 17-7. Dĩ nhiên, phương Tây chỉ trích và hối thúc Nga nhanh chóng đảo ngược quyết định để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, Moscow cũng có lý lẽ biện minh, đồng thời cam kết tiếp tục cung cấp lương thực cho những nơi đang thiếu thốn.
Thuyền chở các quan chức Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc hướng đến tàu chở hàng Razoni treo cờ Sierra Leone để kiểm tra xem lô hàng ngũ cốc vào tháng 8-2022. Ảnh: AP |
Trước đồn đoán về khả năng Ukraine tấn công cây cầu huyết mạch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea sáng 17-7 chính là “giọt nước làm tràn ly” khiến Nga đình chỉ “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” sau đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, hai sự vụ này không liên quan bởi Nga đã nhiều lần phàn nàn về việc thực thi thỏa thuận không đồng bộ. Theo đó, Nga không hưởng lợi đáng kể từ thỏa thuận. Ngoài ra, ngũ cốc từ Ukraine không đến các nước nghèo nhất mà chủ yếu sang phương Tây, với hơn một nửa “chảy” vào Liên minh châu Âu (EU). Đây là những “tác nhân” khiến Moscow lâu nay tỏ ra không mặn mà với thỏa thuận.
Mối lo về căng thẳng thị trường lương thực
Giá lúa mì, ngô và đậu tương đều đồng loạt tăng sau thông tin Nga tạm đóng “hành lang ngũ cốc”. Nga và phương Tây giờ đây liên tục cáo buộc lẫn nhau phá vỡ thỏa thuận và một mực cho rằng việc giá lương thực tăng cao không thể tránh khỏi trong thời gian tới không phải là trách nhiệm của họ.
Sputnik dẫn lời Giáo sư Anuradha Chenoy đã nghỉ hưu tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho biết: “Quyết định của Nga đã được đoán trước. Tập thể phương Tây và Ukraine liên tục vi phạm cam kết của họ trong thỏa thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ)”. Moscow đã thực hiện đầy đủ cam kết trong thỏa thuận trong khi Mỹ và EU không dỡ bỏ hoặc nới lỏng biện pháp trừng phạt ngăn chặn chuyến hàng ngũ cốc và phân bón của Nga. Đáng chú ý, EU là bên hưởng lợi chính từ thỏa thuận khi 38% tổng số ngũ cốc được gửi đến “lục địa già”, 30% khác thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, và 24% sang Trung Quốc. Dựa trên số liệu này, Nga chỉ trích, đa phần nguồn cung cấp lương thực không đến các nước đang phát triển dễ bị tổn thương khi chỉ có 2% ngũ cốc cung cấp cho Nam bán cầu.
Nga và Ukraine là hai nước trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Trước xung đột, Ukraine sản xuất đủ lương thực để nuôi sống 400 triệu người/năm trong khi Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/5 tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Sự sụp đổ của hành lang xuất khẩu Biển Đen, nơi cho phép xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc Ukraine năm 2022, sẽ có ít tác động ngay lập tức nhưng trong trung hạn sẽ tạo căng thẳng thị trường và đẩy giá lương thực lên cao.
Cũng đồng quan điểm, chuyên gia Peter Ceretti từ Công ty Eurasia Group cho rằng, trong tương lai, sự vụ này sẽ tạo thêm áp lực tăng giá lương thực khác trong bối cảnh hạn hán ở châu Âu và sự khởi đầu của El Nino. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bắc Phi và khu vực Levant (phía đông Địa Trung Hải). Ông Nana Ndeda, người đứng đầu chính sách và vận động nhân đạo của Save the Children, lo ngại: “Việc không thể gia hạn thỏa thuận là đòn giáng rất lớn, đe dọa tính mạng trẻ em dễ bị tổn thương sống ở các quốc gia châu Phi và Trung Đông, những người sống dựa vào ngũ cốc”.
Nga tiếp tục cung cấp lương thực cho châu Á, châu Phi
Theo giới quan sát, nhiều khả năng Nga sẽ tìm cách vận chuyển ngũ cốc đến các nước nghèo, đang phát triển. Sputnik dẫn lời ông Nadein-Raevskiy, nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: “Việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen không có nghĩa là ngừng cung cấp lương thực cho Nam bán cầu. Moscow sẽ tiếp tục giao hàng miễn phí cho các nước nghèo nhất ở châu Phi và châu Á.
Điều này dường như hoàn toàn không sinh lãi nhưng xét về khía cạnh chính trị, nó cho thấy Nga có thể chiếm ưu thế và nghiêm túc củng cố vị thế của mình trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực ở Nam bán cầu”. Tương tự, T.S Chenoy cho biết: “Lần cuối cùng khi thỏa thuận ngũ cốc kết thúc, Nga đã gửi nhiều chuyến tàu chở ngũ cốc đến các quốc gia Nam bán cầu cần chúng nhất. Điều này được Liên minh châu Phi thừa nhận. Nga có thể sẽ làm điều tương tự”.
Theo Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrey Belousov, bất chấp gánh nặng của các biện pháp trừng phạt, Nga xuất khẩu hơn 15 triệu tấn ngũ cốc, cũng như lượng lớn phân bón, tính đến tháng 11-2022. Hơn 90% lượng hàng Nga giao đến các nước ở châu Phi và Đông Nam Á. Tháng 5-2023, Moscow cung cấp 4,9 triệu tấn lúa mì cho thị trường nước ngoài. Trong số những nước mua có Ai Cập, Yemen, Brazil, Bangladesh, Oman, Mexico, Mozambique, Tunisia, Senegal, Tanzania và Rwanda.
Căng thẳng leo thang Nga và Ukraine đang có hành động leo thang ngay sau vụ tấn công cầu Crimea. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 18-7 nêu rõ, quân đội Nga ngăn chặn cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở phía đông bán đảo Crimea. Chỉ vài giờ sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, Ukraine kích hoạt phòng không tại thành phố cảng Odessa và nhiều khu vực phía nam. Odessa ở miền nam Ukraine là nơi có bến cảng hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận ngũ cốc. |
THƯ LÊ