Quốc tế
UNESCO kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong lớp học
Điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức giao tiếp của con người nhưng đến nay có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc thiết bị này có thực sự hữu ích cho giáo dục hay không. Với mục đích cốt lõi “đặt người học lên hàng đầu”, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vừa kêu gọi lệnh cấm điện thoại thông minh trong trường học trên thế giới để cải thiện khả năng tiếp thu của học sinh và bảo vệ chúng khỏi nạn bắt nạt qua mạng.
Lời kêu gọi gửi thông điệp rõ ràng: toàn bộ công nghệ kỹ thuật số, gồm trí tuệ nhân tạo, phải luôn phụ thuộc vào “tầm nhìn lấy con người làm trung tâm” của giáo dục và không bao giờ thay thế hoàn toàn sự tương tác trực tiếp giữa học sinh với giáo viên theo như nhận định của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay ngày 25-7.
The Guardian dẫn báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 của UNESCO cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách không nên áp dụng công nghệ kỹ thuật số thiếu cân nhắc kỹ càng bởi tác động tích cực của nó đối với kết quả học tập và hiệu quả kinh tế có thể đã bị thổi phồng trong thời gian qua, và không phải cái mới lúc nào cũng có hiệu quả hơn.
Theo đó, báo cáo dẫn bằng chứng cho thấy việc học sinh sử dụng công nghệ kỹ thuật số quá mức hoặc không phù hợp trong lớp học và ở nhà đều làm giảm hiệu suất học tập và cường độ cao có thể gây rối loạn cảm xúc ở trẻ em. Nhiều dữ liệu khảo sát quốc tế quy mô lớn cũng chỉ ra mối liên hệ tiêu cực này, đồng thời cho thấy lệnh cấm mang lại nhiều kết quả khả quan ban đầu.
Theo nghiên cứu của Trường Kinh tế London, điểm kiểm tra của học sinh ở Birmingham, London, Leicester và Manchester tăng khi trường học ở các thành phố này áp dụng lệnh cấm. Trong khi đó, có rất ít tài liệu đủ sức thuyết phục chứng minh công nghệ kỹ thuật số gia tăng giá trị vốn có cho giáo dục.
Tuy nhiên, tình trạng mất tập trung không phải là vấn đề đáng lo duy nhất. Nhiều nước đã cấm điện thoại di động trong trường học do lo ngại về sức khỏe của học sinh và nạn bắt nạt qua mạng có chiều hướng tăng. AP dẫn nghiên cứu trên hơn 4.000 trẻ em từ 8 đến 11 tuổi ở Mỹ cho thấy, một nửa trong số này sở hữu điện thoại và gần 10% trở thành nạn nhân của vấn nạn bắt nạt trên mạng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chính những đứa trẻ có điện thoại cũng là đối tượng bị lạm dụng nhiều nhất.
Báo cáo cũng chỉ ra sự chuyển biến tích cực của nhiều quốc gia trong nhận thức tầm quan trọng của việc đặt người học lên hàng đầu trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số bùng nổ. Dựa trên phân tích 200 hệ thống giáo dục toàn cầu, UNESCO ước tính, cứ 6 quốc gia thì có 1 quốc gia cấm điện thoại thông minh trong trường học thông qua luật hoặc hướng dẫn.
Đơn cử, Trung Quốc giới hạn sử dụng thiết bị kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy ở mức 30% tổng thời gian giảng dạy và học sinh phải thường xuyên được nghỉ giải lao khi sử dụng máy tính. Pháp, Ý và Phần Lan cũng áp dụng hạn chế này trong khi Hà Lan sẽ có bước đi tương tự từ năm 2024. Tại Anh, khoảng 1/5 trẻ em từ 5 đến 7 tuổi sở hữu điện thoại và con số này tăng lên hơn 50% ở trẻ em từ 8 đến 11 tuổi. Hiện, các trường học ở nước này đã ban hành chính sách sử dụng điện thoại thông minh của mình, phụ thuộc vào quyết định của hiệu trưởng.
Rõ ràng, làn sóng tranh luận về ưu và nhược điểm của việc sử dụng thiết bị thông minh trong giờ học sẽ còn tiếp diễn nhưng những cảnh báo trên của LHQ là lời thúc giục các quốc gia cần xây dựng mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng để bảo đảm công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục không gây hại sức khỏe học sinh, và nói rộng hơn là đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền, chẳng hạn tránh xâm phạm quyền riêng tư và châm ngòi sự thù hận trên không gian mạng.
THƯ LÊ