Quốc tế

Kỳ vọng của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nam Phi

06:27, 22/08/2023 (GMT+7)

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 15 tại Johannesburg (Nam Phi) và thăm chính thức nước này từ ngày 21 đến 24-8. Chuyến công du nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia đang phát triển và mới nổi trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ vẫn căng thẳng và kinh tế đất nước đang chật vật phục hồi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nam Phi từ ngày 21 đến 24-8 và dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại nước này. Ảnh: Global Times
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nam Phi từ ngày 21 đến 24-8 và dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại nước này. Ảnh: Global Times

Chuyến thăm Nam Phi lần này sẽ là chuyến công du nước ngoài lần thứ hai của ông Tập Cận Bình trong năm 2023, tiếp nối chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Nga vào tháng 3-2023.

Cơ hội tăng kết nối với Nam bán cầu

Theo CNN, đối với ông Tập Cận Bình, hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm BRICS sau hơn 3 năm gián đoạn do Covid-19 mang đến cơ hội để thúc đẩy tầm nhìn của Trung Quốc về tăng cường hợp tác và kết nối với các nước đang phát triển và mới nổi. Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học London (Anh), nhận định: “Việc Trung Quốc xích lại gần hơn với Nam bán cầu là điều hợp lý bởi khu vực này vốn đông dân hơn nhiều so với phương Tây và hầu hết đều có sự tương đồng trong cấu trúc quản trị”. Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi Chen Xiaodong ca ngợi BRICS là “nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các quốc gia mới nổi và đang phát triển” và là “xương sống của sự công bằng và công lý quốc tế”. “Trong lúc hệ thống quản trị toàn cầu truyền thống dường như gặp trục trặc, cộng đồng quốc tế đang mong chờ BRICS đóng vai trò dẫn đầu”, ông Chen Xiaodong nói.

Trong khi đó, ông Paul Nantulya, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi, cho rằng, với việc Trung Quốc và Mỹ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, BRICS đang đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn đối với chính sách của Bắc Kinh. BRICS là “nền tảng đa phương khác mà qua đó Trung Quốc có thể nâng cao sức ảnh hưởng trên trường quốc tế, đặc biệt là ở Nam bán cầu”. Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về các hoạt động và phát biểu của ông Tập Cận Bình tại hội nghị bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự trực tiếp sự kiện này.

Duy trì sự hiện diện ở châu Phi

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến châu Phi sau 5 năm. Tại hội nghị BRICS, nước chủ nhà Nam Phi mời tổng cộng có 69 quốc gia, gồm tất cả nước châu Phi. Do đó, ông Tập Cận Bình sẽ tranh thủ thời cơ để tái khẳng định Trung Quốc vẫn dành sự quan tâm, hỗ trợ nhất định cho châu Phi, bất chấp những bất ổn toàn cầu. Trong bối cảnh châu Phi đang chuyển mình từ khu vực nhận viện trợ thành “trung tâm quyền lực mới” trên “bàn cờ lớn” với sự để mắt của rất nhiều cường quốc, Nam Phi sẽ đưa chương trình nghị sự của châu Phi lên hàng đầu và tiến hành đối thoại mạnh mẽ về các vấn đề của châu Phi.

Theo Global Times, với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và là nguồn FDI lớn nhất vào lục địa này, Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác thiết thực với các nước ở châu lục này. Ông Tập Cận Bình từng khẳng định: “Trung Quốc sẽ luôn là người bạn tốt, đối tác tốt và người anh em tốt của châu Phi. Không ai có thể phá vỡ khối đại đoàn kết Trung Quốc - châu Phi”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nam Phi sẽ đồng chủ trì Đối thoại Trung Quốc-châu Phi bên lề hội nghị.

Tuy nhiên, ông Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết thường thì trong các chuyến thăm các nước đang phát triển trước đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết cung cấp các gói viện trợ, tài chính và hợp tác hào phóng. Song, với tình trạng hiện tại của nền kinh tế, Trung Quốc đã trở nên kén chọn hơn rất nhiều trong việc lựa chọn những dự án nước ngoài để tài trợ. Trong khi hoạt động cấp vốn ra nước ngoài có dấu hiệu chững lại, Trung Quốc đang đẩy mạnh trao đổi về chính trị và quân sự với châu Phi, trong đó tập trung vào những hoạt động có chi phí thấp nhưng có tác động rất lớn trong việc chứng minh Trung Quốc vẫn quan tâm đến châu Phi ngay cả khi đã giảm tài trợ cho các sáng kiến cơ sở hạ tầng quy mô lớn như trước đây.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay diễn ra từ ngày 22 đến 24-8 với chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm”, đánh dấu sự trở lại của sự kiện này tại châu Phi sau 5 năm gián đoạn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thay mặt Tổng thống Vladimir Putin tham dự trực tiếp. Việc kết nạp thêm thành viên là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự, qua đó đưa BRICS trở thành khối mạnh nhất của thế giới đang phát triển. Khoảng 40 quốc gia và khu vực đang bày tỏ sự quan tâm việc gia nhập khối. Bên cạnh đó, việc phát hành đồng tiền chung của khối và khả năng thiết lập hệ thống thanh toán chung cũng được bàn thảo.

THƯ LÊ

.