Quốc tế

Thế giới tuần qua: BRICS ghi dấu mốc lịch sử, cuộc đua lên Mặt Trăng tiếp tục nóng và phản ứng về vấn đề vấn đề xả thải của Nhật Bản

14:08, 27/08/2023 (GMT+7)

Trong tuần qua nổi lên các sự kiện đáng chú ý như: BRICS ghi dấu mốc lịch sử khi mở rộng thêm 6 thành viên mới; Nga-Ukraine tăng cường sử dụng UAV tấn công; cuộc đua lên Mặt Trăng tiếp tục nóng lên và phản ứng về vấn đề vấn đề xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Các nước BRICS đã đồng ý mời thêm 6 thành viên tham gia. Ảnh: Báo Tin tức
Các nước BRICS đã đồng ý mời thêm 6 thành viên tham gia. Ảnh: Báo Tin tức

BRICS ghi dấu mốc lịch sử khi mở rộng thêm thành viên mới

Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày từ 22-24-8 ở Johannesburg, các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã ra tuyên bố chung nêu bật nỗ lực xây dựng thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo BRICS đã đưa ra quyết định kết nạp Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và UAE làm thành viên chính thức mới bắt đầu từ ngày 1-1-2024.

Dư luận và các chuyên gia cho rằng việc BRICS chào đón 6 thành viên mới từ 3 châu lục khác nhau vào cùng ngày đã đánh một dấu mốc lịch sử về tình đoàn kết của BRICS và các nước đang phát triển, cũng như quyết tâm hợp tác vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Hãng tin Bloomberg cho rằng việc mở rộng nhóm các nền kinh tế mới nổi có thể giúp tăng cường sức mạnh toàn cầu của nhóm này và chống lại sự thống trị của G7. Báo Pháp La Tribune số ra ngày 25-8 có bài viết nhận định quyết định mở rộng khối của BRICS sẽ dẫn đến việc hình thành một nhóm mạnh mẽ có khả năng tác động đến tình hình quốc tế, bằng cách bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Tờ La Tribune có đoạn viết: "Giờ đây, các quốc gia đang phát triển biết rằng họ sẽ có thể chuyển sang một tổ chức khác ngoài Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - BRICS".

Trao đổi với "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 24-8, Vương Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Các nước đang phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, chia sẻ: “Đây là một bước tiến quan trọng đối với BRICS vì tiếng nói BRICS mạnh mẽ hơn sẽ được lắng nghe trong quản trị toàn cầu, đóng một vai trò quan trọng để quan hệ quốc tế trở nên dân chủ, công bằng và hợp lý hơn”.

Về phần mình, Giáo sư Hassan Rajab tại Đại học Kênh đào Suez ở Ai Cập, cho biết nước này muốn gia nhập nhóm các quốc gia BRICS với mục đích cải cách nền kinh tế toàn cầu để đạt được sự công bằng hơn trước những biến động và khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên thế giới. Ông nói thêm: “Thông qua hợp tác với Ai Cập, các nước BRICS có thể tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác của họ với các quốc gia Arab và châu Phi. Sự hợp tác này nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế”.

Theo hãng tin Reuters, mặc dù tất cả các thành viên BRICS công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với sự mở rộng của khối, nhưng vẫn có sự chia rẽ nhất định về mức độ và tốc độ phát triển. Thực tế các quốc gia thành viên của tổ chức này có nền kinh tế ở quy mô rất khác nhau và các chính phủ có ít mục tiêu chính sách đối ngoại chung, yếu tố có thể làm phức tạp thêm việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận.

Ví dụ, trong khi Nga rất muốn có thêm các thành viên mới để giúp nước này vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, Ấn Độ cảnh báo việc mở rộng BRICS ồ ạt, còn Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm ảnh hưởng của nhóm bị xói mòn.

Do đó, Reuters cho rằng các quốc gia BRICS còn một chặng đường dài để chuyển đổi thành một tổ chức toàn cầu thống nhất, đủ để có thể thách thức một cách hiệu quả sự thống trị của phương Tây trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB).

Giáo sư Tom Lodge, chuyên nghiên cứu các vấn đề hòa bình và xung đột tại Đại học Limerick, cho rằng khuôn khổ để BRICS phát triển thành một tổ chức thực tế hơn “mới đang trong quá trình xây dựng, và họ còn một chặng đường dài phía trước".

Xung đột Nga-Ukraine: Hai bên tăng cường sử dụng UAV tấn công

Trong tuần qua, cả Nga và Ukraine đã tăng cường sử dụng các thiết bị bay không người lái (UAV) để tấn công lẫn nhau, dẫn đến một số sân bay lớn ở thủ đô Moskva (Nga) tạm ngừng hoạt động bay.

Cả Nga và Ukraine trong tuần qua đã tăng cường sử dụng UAV tấn công vào các mục tiêu của nhau. Ảnh: Báo Tin tức
Cả Nga và Ukraine trong tuần qua đã tăng cường sử dụng UAV tấn công vào các mục tiêu của nhau. Ảnh: Báo Tin tức

Mới nhất, hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, rạng sáng 25-8, các lực lượng vũ trang nước này đã phá hủy 42 UAV trên bán đảo Crimea. Theo bộ trên, các lực lượng phòng không Nga phá hủy 9 UAV trong khi 33 UAV còn lại bị tác chiến điện tử ngăn chặn và rơi mà không tiếp cận được mục tiêu.

Trong khi đó, giới chức Nga thông báo các hệ thống phòng không đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine ở khu vực Kaluga phía Tây Nam Moskva và phá hủy một số UAV ngoài khơi Crimea.

Trước đó Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin ngày 23-8 cho biết lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 1 UAV ở khu vực Moskva và một chiếc khác trong thành phố. Theo ông Sobyanin, các vụ tấn công không gây ra thương vong.

Về phần mình, Ukraine ngày 23-8 cho biết lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ 11 trong số 20 UAV do Nga triển khai trong các cuộc tấn công trong đêm. Reuters dẫn thông báo của quân đội Ukraine và các quan chức địa phương cho hay Nga đã thực hiện các cuộc tấn công ở khu vực phía Nam Odessa và khu vực sông Danube, khu vực quan trọng đối với việc xuất khẩu ngũ cốc.

Trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào bên trong lãnh thổ Nga, hãng thông tấn TASS dẫn lời nhiều quan chức nước này thừa nhận các sân bay ở thủ đô Moskva đã đình chỉ tạm thời các chuyến bay vì bị tấn công.

Cuộc đua tới Mặt Trăng tiếp tục nóng

Trong tuần qua, cuộc đua tới Mặt Trăng tiếp tục nóng lên với việc tàu đổ bộ Ấn Độ hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt Trăng, ngay sau khi tàu vũ trụ Luna-25 của Nga gặp sự cố và Nhật Bản tuyên bố phóng trạm đổ bộ đến Mặt Trăng vào tuần tới.

Ngày 23-8, mô đun Vikram của tàu đổ bộ Chandrayaan-3 (Ấn Độ) đã đáp thành công xuống bề mặt Mặt Trăng sau hành trình kéo dài 40 ngày. Thành công này đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới từng đưa tàu đáp xuống hành tinh này cùng với Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây.

Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng.

Ấn Độ đã đổ bộ thành công tàu khảo sát xuống Mặt Trăng. Ảnh: Báo Tin tức
Ấn Độ đã đổ bộ thành công tàu khảo sát xuống Mặt Trăng. Ảnh: Báo Tin tức

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) xác nhận tàu đổ bộ đã hạ cánh mềm thành công xuống bề mặt Mặt Trăng cùng một robot nhỏ có tên gọi là Pragyan. Các phương tiện chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt Trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.

Trước đó ngày 20-8, Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng Luna-25 đã va chạm với bề mặt hành tinh này sau khi gặp sự cố trong quá trình chuẩn bị hạ cánh.

Hãng tin TASS của Nga đưa tin, Roscosmos đã thực hiện các biện pháp trong hai ngày 19 và 20-8 nhằm xác định vị trí và khôi phục liên lạc với tàu nhưng không thành công. Roscosmos nhấn mạnh do sai lệch của các thông số xung lực thực tế so với thông số tính toán, tàu vũ trụ Luna-25 đã chuyển sang quỹ đạo lệch thiết kế và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt của Mặt Trăng. Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra các nguyên nhân dẫn tới va chạm.

Sau sự cố trên, người đứng đầu Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga Roscosmos, ông Yury Borishov ngày 25-8 cho hay nước này có thể sẽ thực hiện một sứ mệnh khác tới cực Nam của Mặt Trăng vào năm 2025-2026, bởi các nhà khoa học mong muốn tiếp tục các dự án về hành tinh này. Người đứng đầu Roscosmos cũng cho biết những nhiệm vụ mà sứ mệnh Luna-25 chưa đạt được sẽ được giao cho các sứ mệnh Mặt Trăng của Nga trong tương lai.

Về phần mình, hãng tin AFP dẫn thông báo của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản ngày 25-8 cho biết Nhật Bản phóng trạm đổ bộ đến Mặt Trăng vào tuần tới. Cụ thể, vụ phóng sẽ diễn ra ngày 28-8, lùi một ngày so với lịch ban đầu do thời tiết xấu.

Chương trình vũ trụ của Nhật Bản là một trong những chương trình vũ trụ lớn nhất thế giới, nhưng nỗ lực đầu tiên nhằm đưa trạm đổ bộ đến Mặt Trăng đã thất bại hồi tháng 11 năm ngoái.

Phản ứng về vấn đề xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản

Theo hãng AFP, Chính phủ Nhật Bản thông báo việc xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý được bắt đầu vào ngày 24-8. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết họ có kế hoạch thực hiện đợt xả đầu tiên trong 17 ngày để xả 7.800 tấn nước thải phóng xạ.

Trong báo cáo an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tháng 7, cơ quan này khẳng định việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ sẽ có tác động không đáng kể đối với người dân và môi trường.

Tuy nhiên, sự kiện nay đã gây ra những phản ứng lo ngại từ các nước xung quanh. Hãng tin Yonhap dẫn lời Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc, ông Park Ku-yeon cho biết nước này không nhận thấy có vấn đề nào về mặt khoa học hoặc kỹ thuật trong kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương vào cuối tuần này.

Người Hàn Quốc biểu tình phản đối xả thải từ Nhật Bản. Ảnh: Báo Tin tức
Người Hàn Quốc biểu tình phản đối xả thải từ Nhật Bản. Ảnh: Báo Tin tức

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo cũng nêu rõ biết chính phủ nước này sẵn sàng đệ đơn kiện nếu Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Thủ tướng Hàn Quốc cho biết thêm "chính phủ sẽ huy động mọi phương tiện và biện pháp hiện có, đồng thời nỗ lực hết sức để người dân yên tâm”.

Về phần mình, Nga ngày 24-8 đã yêu cầu Nhật Bản minh bạch trong vấn đề xả nước thải nhiễm xạ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông báo Moskva mong chờ tất cả các thông tin cần thiết sau khi Nhật Bản xả nước thải nhiễm hạt nhân từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Trong khi đó, Trung Quốc, Triều Tiên và một số quốc gia Thái Bình Dương cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước bước đi này của Nhật Bản. Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu (John Lee) thậm chí đã chỉ thị cho người đứng đầu Cơ quan Môi trường và Sinh thái và các bộ ngành liên quan của đặc khu "kích hoạt ngay lập tức" các biện pháp kiểm soát nhập khẩu để đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Hong Kong.

Nhà máy Fukushima lưu trữ hơn 1,3 triệu tấn nước thải trong một hệ thống làm sạch mang tên ALPS kể từ khi 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy do thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Theo TEPCO, trong năm tài chính hiện tại tính đến tháng 3 năm tới, tổng cộng 31.200 tấn sẽ được xả thải.

Theo Báo Tin tức 

.