Quốc tế

Ấn Độ viết lịch sử trên Mặt trăng

08:28, 26/08/2023 (GMT+7)

Đúng như lời Lão Tử: “Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân”, con đường chinh phục vũ trụ của Ấn Độ truyền cảm hứng về nỗ lực vượt qua vô vàn thách thức trong hàng thập niên qua, với nguồn tài chính hết sức “eo hẹp”. Cuộc đổ bộ lịch sử lên cực nam Mặt trăng gần đây chưa phải là đích đến cuối cùng mà chỉ là bước khởi đầu cho sứ mệnh không gian hoài bão hơn của Ấn Độ, trong đó Mặt trời sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Mô phỏng trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan trong sứ mệnh Chandrayaan-3. Ảnh: ISRO
Mô phỏng trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan trong sứ mệnh Chandrayaan-3. Ảnh: ISRO

Ngày 23-8, người Ấn Độ khắp thế giới trào dâng niềm tự hào dân tộc khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của nước Nam Á này đổ bộ xuống cực nam của Mặt trăng. Với thành công này, Ấn Độ là quốc gia thứ tư tiếp cận bề mặt Mặt trăng sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc, và quan trọng hơn, trở thành nước đầu tiên chinh phục cực nam của Mặt trăng, điểm đến hấp dẫn nhưng rất nguy hiểm. Truyền thông quốc tế không tiếc “lời có cánh” cho sứ mệnh lịch sử này bởi những đóng góp rất to lớn cho nền khoa học vũ trụ của nhân loại.

Cực nam của Mặt trăng có gì hấp dẫn?

Theo CNN, tàu Ấn Độ chọn cực nam Mặt trăng để hạ cánh nhằm phục vụ nghiên cứu địa chất nơi đây. Khu vực bí ẩn này là điểm xa nhất về phía nam trên Mặt trăng, được cho là có sự hiện diện của băng nước, một trong những tài nguyên có giá trị nhất; đồng thời là chìa khóa để chinh phục hoàn toàn Mặt trăng và thậm chí tạo bước đệm để “bay” lên sao Hỏa. Vì sao nước trên Mặt trăng quan trọng? Các nhà khoa học cho biết, nước có thể cung cấp cho các nhà khoa học “hồ sơ” về các núi lửa trên Mặt trăng, vật chất mà sao Chổi và các tiểu hành tinh mang đến cho Trái đất, cũng như nguồn gốc của các đại dương. Nếu tồn tại với số lượng đủ thì băng nước có thể sẽ là nguồn nước uống phục vụ sứ mệnh khám phá Mặt trăng và giúp làm mát thiết bị. Ngoài ra, băng nước cũng có thể được phân hủy để tạo ra hydro làm nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh lên sao Hỏa hoặc khai thác tài nguyên của Mặt trăng.

Năm 2022, Daily Mail định giá nguồn nước vô cùng dồi dào ở cực nam của Mặt trăng có giá trị ở mức hơn 200 tỷ USD và khí heli của nó có trị giá 1,5 triệu tỷ USD. Việc tàu của Ấn Độ chinh phục cực nam khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ và phấn khích bởi trong nhiều năm qua không ít nỗ lực hạ cánh xuống khu vực này đều bất thành do địa hình gồ ghề, phức tạp, cùng với nhiều miệng núi lửa và rãnh sâu. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: “Chandrayaan-3 là chiến thắng vang dội cho một Ấn Độ mới. Thành công này là bình minh của kỷ nguyên mới, không chỉ của riêng người dân Ấn Độ mà toàn nhân loại”.

Điều đáng nói, Ấn Độ sở hữu chương trình không gian với kinh phí tương đối thấp nhưng mang lại cú hích bất ngờ. Chandrayaan-3 chỉ tốn khoảng 73 triệu USD, thấp hơn nhiều so với sứ mệnh của các nước khác và là minh chứng về kỹ thuật không gian “siêu tiết kiệm” của Ấn Độ. Theo giới quan sát, bước tiến này không chỉ giúp củng cố vị thế của “người chơi mới” Ấn Độ là cường quốc trong khám phá vũ trụ mà còn giúp tăng cường tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc, đặc biệt ở thời điểm nước này vẫn “đau đầu” với tình trạng xung đột sắc tộc. Thành công của Chandrayaan-3 cũng đến vào thời điểm sứ mệnh bất thành của tàu Luna-25 từ Nga, cường quốc tiên phong về vũ trụ, cho thấy “biểu tượng mới” cho trật tự thế giới đang thay đổi.

Chờ đợi cuộc chinh phục Mặt trời

Tiếp nối thành công của Chandrayaan-3, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ tiến hành dự án Aditya-L1, sứ mệnh khoa học đầu tiên được Ấn Độ đưa vào không gian để nghiên cứu Mặt trời. Theo Hindustantimes, sứ mệnh phức tạp nhất từ trước đến nay của ISRO dự kiến khởi động vào đầu tháng 9-2023, gồm vệ tinh có khối lượng 400kg mang theo một thiết bị tự hành VELC và dự kiến phóng lên quỹ đạo tầm thấp, cách trái đất 800km.

Aditya-L1 thu hút sự chú ý bởi nhiều điểm mới lạ, độc đáo. Theo các nhà khoa học, việc đưa tàu vũ trụ đổ bộ chính xác xuống một điểm trong không gian cách Trái đất 1,5 triệu km (giữa Trái đất và Mặt trời), đòi hỏi kỹ năng điều khiển khéo léo để “lái” tàu vũ trụ đến đúng vị trí xác lập. Sứ mệnh cũng đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ lập “đài quan sát không gian” để theo dõi Mặt trời liên tục, qua đó phục vụ thiết thực cho cuộc sống con người. Theo đó, Aditya-L1 sẽ giúp cảnh báo sớm về các cơn bão từ của Mặt trời, vốn có thể làm hỏng vệ tinh và lưới điện của chúng ta. Các cơn bão từ Mặt trời, tức những vụ nổ năng lượng đột ngột, thường ở dạng lưỡi lửa dài hàng nghìn km có thể phát ra tia X, sóng điện từ hoặc các hạt năng lượng cao vào không gian và có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và gây hại cho các phi hành gia vũ trụ. Do vậy, nghiên cứu “hành vi” của Mặt trời đóng vai trò quan trọng để xem tác động của nó đối với khí hậu Trái đất.

THƯ LÊ

.