Quốc tế

Tranh cãi xung quanh việc Mỹ giám sát tình báo toàn cầu

08:37, 02/08/2023 (GMT+7)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang đối mặt với “cuộc chiến” khó khăn để tìm kiếm tiếng nói ủng hộ tại Quốc hội về việc gia hạn điều khoản 702 trong Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA) vốn cho phép cơ quan tình báo nước Mỹ thu thập thông tin đối với những người không mang quốc tịch Mỹ và sống bên ngoài lãnh thổ nước này.

Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện về điều khoản 702 và các cơ quan giám sát có liên quan tháng 6-2023.  Ảnh: AP
Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện về điều khoản 702 và các cơ quan giám sát có liên quan tháng 6-2023. Ảnh: AP

Dù giúp Mỹ ngăn nhiều vụ tấn công lớn khi thu thập thông tin mật về các mạng lưới khủng bố toàn cầu song điều khoản này hiện đối mặt với luồng tranh cãi trái chiều, thậm chí sự phản đối mạnh mẽ hơn, do xuất hiện sai phạm trong quá trình giám sát cũng như lo ngại nguy cơ cản trở các quyền tự do dân sự của người Mỹ.

“Công cụ rất quan trọng”

Theo NBC News, điều khoản 702 của FISA được thông qua năm 2008 nhằm tăng cường khả năng phát hiện khủng bố nhưng cần phải gia hạn sau 5 năm liên tiếp. Điều khoản cho phép các cơ quan như: Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Tình báo trung ương (CIA), Cục Điều tra liên bang (FBI) theo dõi những người không phải công dân Mỹ ở nước ngoài mà không cần lệnh từ tòa án bằng cách thu thập lượng lớn dữ liệu gồm email, tin nhắn, băng ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại của người nước ngoài ở các nước khác, thậm chí ngay cả khi họ đang nói chuyện với người Mỹ, mà không cần sự cho phép của các công ty cung cấp dịch vụ mạng như Google. Cơ quan tình báo cũng được phép lục soát thông tin, gồm những gì đăng trên mạng xã hội để phục vụ điều tra hình sự.

Việc gia hạn điều khoản dự kiến hết hạn vào tháng 12-2023. Ban cố vấn tình báo của Tổng thống Mỹ cho biết, chỉ có 3 trường hợp sai phạm có chủ ý trong số hàng triệu thông tin thu thập. Dù có sơ suất trong giám sát nhưng các cố vấn của ông Biden cho rằng, không thể từ bỏ điều khoản vì đây là “công cụ rất quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia”. Thông tin thu thập giúp Mỹ ngăn nhiều vụ tấn công lớn, gồm phá âm mưu đánh bom tàu điện ngầm New York năm 2009 và thu thập thông tin mật về mạng lưới khủng bố toàn cầu. Chính phủ Mỹ lập luận, họ sử dụng thông tin thu thập để bảo vệ đất nước và các đồng minh trước các mối nguy từ bên ngoài, chẳng hạn như khủng bố, buôn bán vũ khí và gián điệp. Do đó, chính quyền ông Biden liên tục thúc giục Quốc hội gia hạn điều khoản.

Liệu có vi hiến?

Báo cáo của Nhà Trắng gần đây nhấn mạnh, việc không thể gia hạn điều khoản 702 có thể là “một trong những thất bại tình báo tồi tệ nhất của thời đại chúng ta”. Dù trước đây có sự ủng hộ của lưỡng đảng nhưng những sai sót của FBI gần đây khiến việc gia hạn càng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Bên cạnh đó, những người chỉ trích điều khoản lo ngại quyền hạn của nó quá rộng và có thể bị lạm dụng vì mục đích khác ở thời điểm chín muồi này. Cụ thể, dữ liệu về công dân Mỹ vẫn được thu thập “ngẫu nhiên” khi họ tương tác với “mục tiêu giám sát nước ngoài”. Điều này vô hình chung sẽ vi phạm Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Mỹ vốn nghiêm cấm việc khám xét và thu giữ bất hợp pháp. Các tổ chức về quyền tự do dân sự, chẳng hạn như American Civil Liberties Union, từ lâu đã phản đối điều khoản vì cho rằng nó được sử dụng như công cụ “cửa sau” để thu thập thông tin về người Mỹ và cho phép cơ quan thực thi pháp luật liên bang truy tố và bỏ tù những đối tượng tình nghi phạm tội, ngay cả khi chúng không liên quan đến an ninh quốc gia, dựa trên thông tin thu được mà không có lệnh từ tòa án.

Tháng 7-2023, 21 tổ chức về quyền riêng tư, dân quyền và tự do dân sự trình lá thư lên Thượng viện, yêu cầu Quốc hội không gia hạn điều khoản mà không có các cải cách, gồm thiết lập quy trình xem xét tư pháp mạnh mẽ hơn, cũng như biện pháp bảo vệ các mục tiêu ở nước ngoài vốn không có khả năng liên quan đến mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi đó, các nhà lập pháp của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cảnh báo sẽ không bỏ phiếu thuận để gia hạn điều khoản trừ khi có sự cải thiện đáng kể trong cách FBI sử dụng dữ liệu giám sát nước ngoài để điều tra người Mỹ. Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, FBI trấn an dư luận khi thông báo các cuộc tìm kiếm dữ liệu về người Mỹ của FBI giảm mạnh từ 3,4 triệu xuống còn khoảng 204.000 từ tháng 11-2021 đến 11-2022.

Mỹ tuyển mộ cảnh sát ngầm trên toàn thế giới
Theo Wall Street Journal, tại một số nước đang phát triển, khi Mỹ cho rằng lực lượng hành pháp địa phương không thể tin cậy được, các nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã tự tuyển chọn và tài trợ các lực lượng cảnh sát ngầm để thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với lợi ích của Mỹ. Cục Ma túy quốc tế và thực thi pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã thẩm tra, xác minh thành viên của 105 đơn vị cảnh sát mật trên toàn cầu làm việc cho các cơ quan như FBI và Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS). Các đơn vị này đã phá thành công đường dây buôn bán ma túy, động vật hoang dã quý hiếm...

THƯ LÊ

.