Quốc tế

Thêm cái bắt tay có lợi cho Nga, châu Phi

08:04, 31/07/2023 (GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai tại St. Petersburg (Nga) tuần qua đánh dấu bước chuyển quan trọng của Nga trong nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng tại “lục địa đen” và tìm thêm sự ủng hộ trong thế đối trọng với phương Tây. Trong bối cảnh châu Phi trở thành “trung tâm quyền lực mới” trên “bàn cờ lớn” với sự để mắt của nhiều nước lớn, sự kiện cũng đặt châu lục ở vị thế mới và góp tiếng nói mạnh hơn trên sân khấu toàn cầu về các vấn đề “nóng” toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi 2023 ngày 28-7. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi 2023 ngày 28-7. Ảnh: AFP

Cuộc gặp rất quan trọng giúp xây dựng mối quan hệ đối tác Nga - châu Phi gồm 54 nước, qua đó tạo thành khối bỏ phiếu lớn nhất tại Liên Hợp Quốc (LHQ) và diễn ra ở thời điểm chín muồi khi ưu thế đang nghiêng về Nga trong cạnh tranh với phương Tây ở lục địa này. Mối quan hệ Nga - châu Phi đang ở giai đoạn tốt đẹp và Moscow đang thu được những “lợi ích” chính đáng từ quá trình “đầu tư” về chính trị và kinh tế xứng đáng của mình.

Những lời hứa hẹn của Nga

Theo RT, ngày 28-7, hội nghị ra tuyên bố chung sau hai ngày họp trong “bầu không khí thân thiện, mang tính xây dựng”, trong đó nêu 74 nghĩa vụ của các bên, trải rộng từ thương mại và an ninh đến năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu. Tuyên bố cho thấy cam kết của Nga và châu Phi đối với hình thành trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Hai bên cũng cam kết chống lại chủ nghĩa thực dân mới, việc áp dụng biện pháp trừng phạt bất hợp pháp cũng như nỗ lực làm suy yếu giá trị truyền thống. Một trong những kết quả khả quan đạt được tại hội nghị là việc hai bên thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong giao dịch thương mại quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết xóa thêm khoản nợ trị giá 90 triệu USD cho châu Phi, nâng tổng số nợ được xóa lên 23 tỷ USD.

Về kế hoạch sắp tới, Nga và châu Phi sẽ thiết lập “cơ chế thường trực” để phối hợp ở nhiều lĩnh vực. Nga dự định tăng cường xuất khẩu sang lục địa này từ thực phẩm, phân bón đến phương tiện và máy móc công nghiệp thông qua thanh toán bằng các loại tiền tệ quốc gia, trong đó có đồng ruble của Nga.
Đáng chú ý, việc Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ khiến mặt hàng này tăng giá nhẹ trên thị trường thế giới, đồng nghĩa các công ty Nga sẽ được hưởng lợi và kéo theo thu nhập từ thuế liên quan mặt hàng này cũng tăng.

TASS ngày 30-7 đưa tin, nước này sẽ trích một phần thu nhập gia tăng từ việc ngũ cốc tăng giá để hỗ trợ các nước nghèo ở châu Phi, thông qua giao lương thực miễn phí và Moscow sẽ trả chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Nga sẽ hỗ trợ phát triển năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Phi. Cam kết cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc Nga đầu tư khoảng 13 triệu USD vào hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp châu lục đến năm 2026.

Nhìn vào những lời hứa hẹn có thể thấy Nga dường như thấu hiểu những “cơn đau đầu kinh niên” mà châu Phi đang đối diện gồm thiếu lương thực, gánh nặng nợ nần… vốn tác động không nhỏ đến chính trị. Bên cạnh đó, châu Phi sẵn sàng chào đón bất cứ đối tác nào giúp tăng tiếng nói của mình trên diễn đàn toàn cầu mà trong đó Nga được xem là đồng minh của họ. Việc nhắm đến một suất thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ chính là tham vọng của lục địa này.

Lời thúc giục từ châu Phi

Theo Reuters, hội nghị lần này cũng là dịp các nhà lãnh đạo châu Phi tranh thủ thúc giục Tổng thống Putin xúc tiến kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine và gia hạn thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực ở châu Phi. “Xung đột ở Ukraine phải kết thúc. Và nó chỉ có thể kết thúc trên cơ sở công lý và lý trí. Tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng và ngũ cốc phải chấm dứt ngay lập tức. Thỏa thuận ngũ cốc phải được gia hạn vì lợi ích của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là người châu Phi”, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nói.
Đáp lại lời kêu gọi trên, Tổng thống Putin cho biết, nước này tôn trọng đang xem xét thận trọng các sáng kiến của lãnh đạo châu Phi nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Phát ngôn mới của ông Putin dường như là sự thay đổi đáng kể so với tháng trước, khi ông phản đối một số điểm trong đề xuất này. TASS dẫn lời ông Putin sau hội nghị ngày 29-7 cho biết: “Sáng kiến của châu Phi có thể là cơ sở của một số quá trình nhằm tìm kiếm hòa bình, giống như những sáng kiến khác, chẳng hạn sáng kiến hòa bình của Trung Quốc. Mọi khác biệt phải giải quyết trên bàn đàm phán. Vấn đề là Ukraine vẫn từ chối đối thoại với chúng tôi”.

Nga tiếp tục chặn UAV đột kích Moscow
RIA Novosti dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay, vụ tập kích bằng UAV xảy ra vào sáng sớm 30-7. Một chiếc UAV bị hệ thống phòng không bắn hạ, hai chiếc còn lại bị hệ thống tác chiến điện tử ngăn chặn và rơi xuống khu phức hợp Moscow City. “Âm mưu tấn công khủng bố bằng UAV của Ukraine nhằm vào các cơ sở ở Moscow đã bị ngăn chặn”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

THƯ LÊ

.