Quốc tế

Thảm họa động đất ở Maroc: Khẩn trương tìm người sống sót

08:19, 11/09/2023 (GMT+7)

Lực lượng cứu hộ Maroc đang hết sức khẩn trương tìm kiếm những người sống sót từ đống đổ nát hoang tàn sau trận động đất kinh hoàng mạnh 6,8 độ xảy ra tại nước này tối 8-9 (giờ địa phương), khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm những người sống sót tại ngôi nhà bị sập ở tỉnh Al Haouz (Maroc) ngày 9-9, sau trận động đất. Ảnh: AFP
Lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm những người sống sót tại ngôi nhà bị sập ở tỉnh Al Haouz (Maroc) ngày 9-9, sau trận động đất. Ảnh: AFP

Theo Reuters, tính đến 17 giờ ngày 10-9, hơn 2.000 người thiệt mạng và ít nhất 2.000 người khác bị thương sau động đất, nhiều người trong số đó đang nguy kịch. Hơn 300.000 người bị ảnh hưởng bởi thảm họa và nhiều trong số đó rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Chạy đua với thời gian

CNN dẫn thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ngày 10-9 cho biết, nỗ lực cứu hộ sau trận động đất đã bước vào “giai đoạn thử thách”. Không còn nhiều thời gian đối với những người bị chôn vùi trong đống đổ nát khi các nỗ lực tìm kiếm đang tiến gần đến mốc 72 giờ. G.S Ilan Kelman tại University College London (Anh) cho biết, hơn 90% những người sống sót sau động đất thường được giải cứu trong “giai đoạn vàng” này, và con số này có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào thời tiết, dư chấn, tốc độ tiếp cận hiện trường, trang thiết bị… Hiện, một số yếu tố dường như đang đi ngược lại với nỗ lực giải cứu.

Các chuyên gia cảnh báo, số người chết có thể tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm bên dưới các đống đổ nát và việc tiếp cận hiện trường gặp khó khi một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nằm ở vùng sâu, vùng xa. AFP dẫn lời chuyên gia Philippe Vernant tại Đại học Montpellier (Pháp) nhận định, thảm họa động đất này tuy không xảy ra ở khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất ở Maroc nhưng có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều dư chấn. Chuyên gia này cũng nhắc lại trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2-2023 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng: “Chúng ta thường nói rằng dư chấn có cường độ giảm dần. Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kỳ, một trận động đất gây ra một trận động đất khác. Vết rách đầu tiên có thể dẫn đến đứt gãy khác thông qua hiệu ứng tầng (cascade effect), đó là lý do tại sao đôi khi có nguy cơ xảy ra trận động đất mạnh hơn sau trận đầu tiên”.

Bên cạnh công tác cứu hộ, điều không kém phần quan trọng là cần tránh kịch bản “thảm họa chồng thảm họa”. Giờ đây, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm, tình trạng mất an ninh cũng như do dự đi hay ở lại sau động đất và sang chấn tâm lý đang bủa vây những người may mắn thoát nạn. Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, công tác khắc phục thiệt hại do thảm họa gây ra có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm. Theo The Guardian, đây là trận động đất gây thiệt hại nặng nề nhất ở Maroc kể từ năm 1960 khi thảm họa tương tự khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng.

Vì sao số thương vong lớn?

Tại sao động đất ngày 8-9 tại Maroc lại gây thương vong lớn như vậy? Theo Indian Express, sự dịch chuyển của mảng kiến tạo châu Phi và mảng Á - Âu là yếu tố chính dẫn đến thảm họa. Trong khi đó, theo Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), đứt gãy ngược xiên ở độ sâu nhỏ trong dãy núi High Atlas của Moroc là tác nhân chính. Ngoài ra, còn những yếu tố khác có thể “tiếp tay” gây động đất. Đa phần các chuyên gia quốc tế nhận định, cường độ và tâm chấn của trận động đất gây ra “tình huống khẩn cấp đặc biệt”. Theo đó, động đất có độ lớn 6,8 hoặc 6,9 phản ánh sự dịch chuyển trung bình trên đường đứt gãy tương đương khoảng 1m chỉ trong vài giây và tổng chiều dài dịch chuyển lên tới vài km, qua đó làm rung chuyển trên một khu vực rộng lớn. Tiếp đến, theo Cơ quan địa chấn của Maroc, độ sâu chấn tiêu thực tế nông hơn rất nhiều ban đầu ước tính khi chỉ ở khoảng 11km. Theo đó, năng lượng do trận động đất giải phóng sẽ được cảm nhận khá gần bề mặt với cường độ lớn hơn nhiều so với khi nó ở sâu hơn trong lớp vỏ. Nói một cách nôm na, trận động đất có “tâm chấn nông” (có độ sâu chấn tiêu nhỏ hơn 70km tính từ mặt đất) thường gây ra nhiều thiệt hại bề mặt hơn động đất có “tâm chấn sâu”. Hơn nữa, đá ở khu vực xảy ra động đất rất yếu và dễ nứt vỡ.

Một yếu tố khác cũng đáng lưu ý chính là điểm yếu về kết cấu hạ tầng. Theo USGS, động đất không phổ biến ở Bắc Phi. Điều này đồng nghĩa Moroc đã không thực sự sẵn sàng ứng phó với một thảm họa như vậy. Đa số công trình ở nước này, đặc biệt là vùng nông thôn và thành phố cổ, không thể chống chọi với những cơn địa chấn mạnh. “Ở những nơi hiếm khi xảy ra động đất có sức hủy diệt, các tòa nhà được xây dựng không đủ chắc chắn. Rất nhiều tòa nhà bị sập, dẫn đến thương vong cao”, G.S Bill McGuire tại Đại học London (Anh), cho biết. Ngoài ra, thảm kịch xảy ra vào buổi tối, gây khó khăn cho người dân để tìm nơi ẩn náu.

Cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ

Ngay sau trận động đất kinh hoàng, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế gửi lời chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với Maroc. Một số quốc gia, gồm Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Mỹ, cam kết gửi đội cứu hộ, cấp viện trợ nhân đạo, huy động mọi nguồn lực về vật chất và nhân lực để giúp đỡ nước Bắc Phi này. Đáng chú ý, nước láng giềng Algeria, quốc gia có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Maroc, đã mở cửa không phận lần đầu sau hai năm cho các chuyến bay chở hàng viện trợ nhân đạo và y tế đến Maroc.

THƯ LÊ

.