Quốc tế

Tranh luận chưa dứt về phân biệt chủng tộc ở Pháp

09:02, 30/09/2023 (GMT+7)

Ngày 29-9, lần đầu tiên các tổ chức nhân quyền của Pháp và quốc tế cùng sát cánh trong vụ kiện lịch sử buộc Chính phủ Pháp phải chịu trách nhiệm vì không kịp thời ngăn chặn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là trong thực thi pháp luật. Dĩ nhiên, giới chức Pháp một mực bác bỏ mọi cáo buộc mà họ cho là thổi phồng thái quá về mức độ vụ việc.

Theo The Guardians, các tổ chức, trong đó có Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, muốn chính quyền Pháp phải chịu trách nhiệm với tình trạng sử dụng “hồ sơ chủng tộc”, thuật ngữ đề cập hành vi phân biệt đối xử của lực lượng thực thi pháp luật nhằm vào các cá nhân bị nghi ngờ phạm tội dựa trên chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của họ.

Đại diện các tổ chức lập luận, những người không phải da trắng ở Pháp, đặc biệt là nam thanh niên da đen hoặc gốc Bắc Phi, bị cảnh sát yêu cầu dừng xe nhiều lần trong ngày để kiểm tra danh tính và bị khám xét khi đang tham gia giao thông mà không giải thích lý do với tần suất cao hơn 20 lần so với người da trắng. Ông Issa Coulibaly từ hiệp hội Pazapas (Paris) phàn nàn: “Đó là vấn đề xảy ra hàng ngày ở quy mô lớn trong hơn 40 năm qua nhưng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Dường như chúng ta đang đi thụt lùi”.

Đồng quan điểm, luật sư Maïté De Rue của tổ chức Sáng kiến Công lý Xã hội Mở, cho biết: “Những sự kiện bi thảm xảy ra vào mùa hè năm nay như vụ cảnh sát bắn chết thanh niên gốc Phi 17 tuổi vì không tuân thủ luật giao thông một lần nữa cho thấy có điều gì đó đã bị phá vỡ sâu sắc trong chính sách của Pháp”. Theo De Rue, vấn đề này đã được các cơ quan độc lập ở Pháp và quốc tế đề cập rõ ràng nhưng vẫn có sự phủ nhận ngay trong chính quyền Pháp khi họ vẫn đinh ninh đây không phải vấn đề mang tính hệ thống mà chỉ xảy ra đối với một số cá nhân đơn lẻ. Bộ trưởng Nội vụ, Gérald Darmanin khẳng định: “Thật sai lầm khi cho rằng có sự phân biệt chủng tộc hệ thống trong đội ngũ cảnh sát quốc gia”.

Trong vụ kiện đáng chú ý này, các tổ chức không kêu gọi bồi thường cho những người chịu ảnh hưởng. Đúng hơn, điều họ thực sự mong mỏi là giới chức cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn triệt để hành vi này, chẳng hạn như quy định chặt chẽ hơn về lý do cảnh sát kiểm tra danh tính bất ngờ đối với người da màu.

Không dừng lại ở câu chuyện “hồ sơ chủng tộc”, Chính phủ Pháp cũng đối mặt làn sóng chỉ trích về quy định nghiêm ngặt về trang phục Hồi giáo. Ngày 26-9, Liên Hợp Quốc (LHQ) nhấn mạnh, tổ chức này phản đối hầu hết các quy định về trang phục dành cho phụ nữ. Người phát ngôn của LHQ Marta Hurtado nói: “Không ai được phép áp đặt phụ nữ về những gì họ cần mặc hay không nên mặc”. Thông báo đưa ra sau khi Pháp cấm vận động viên đội khăn trùm đầu của người Hồi giáo trong Thế vận hội Paris 2024.

Trước đó, ngày 25-9, Bộ trưởng Thể thao Pháp Amelie Oudea-Castera cho biết: “Các vận động viên không được đội khăn trùm đầu hoặc bất kỳ phụ kiện hoặc trang phục biểu tượng cho tôn giáo của họ khi đại diện nước Pháp tham gia thi đấu tại cuộc thi thể thao quốc gia hoặc quốc tế”. Bộ Thể thao Pháp cho biết nhận xét này phù hợp với luật pháp quốc gia và “sứ mệnh phục vụ công cộng”, nghĩa là các vận động viên Pháp phải giữ thái độ trung lập và không bày tỏ quan điểm về tôn giáo. Trong khi đó, đại diện LHQ chỉ ra tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền để lập luận rằng những hạn chế đối với thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng “chỉ được chấp nhận trong những trường hợp cụ thể nhằm giải quyết lo ngại chính đáng về an toàn công cộng, trật tự công cộng hoặc sức khỏe cộng đồng”.

Từ năm 2010, Pháp cấm trang phục che toàn bộ khuôn mặt. Tháng 8-2023, nước này ban hành lệnh cấm abaya (trang phục truyền thống che kín toàn thân của phụ nữ Hồi giáo) trong trường học vì cho rằng điều này vi phạm luật thế tục triệt để trong giáo dục. Chính những quy tắc nghiêm ngặt khiến nước này mâu thuẫn với các cơ quan độc lập từ LHQ đến Hội đồng Châu Âu và các tổ chức nhân quyền trong suốt thập niên qua. Năm ngoái, giới chức Pháp bị ủy ban nhân quyền LHQ khiển trách vì đã phân biệt đối xử với một phụ nữ Hồi giáo bằng cách cấm cô tham gia đào tạo nghề ở trường công trong khi đội khăn trùm đầu. Cơ quan chỉ trích quyết định này cấu thành “hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính và tôn giáo”.

 THƯ LÊ

.