Quốc tế
Trung - Nga thắt chặt quan hệ chiến lược
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị thăm Nga từ ngày 18 đến 21-9 để dự vòng đối thoại tham vấn an ninh chiến lược Nga - Trung Quốc lần thứ 18 tại Moscow (Nga).
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (hàng đầu, ở giữa) cùng các quan chức Trung Quốc và Nga dự họp ngày 24-8 tại hội nghị thượng đỉnh khối BRICS 2023 tại Nam Phi. Ảnh: Reuters |
Giới quan sát cho rằng, trong chuyến thăm Nga kéo dài 4 ngày lần này, hai bên dự kiến đưa ra những cam kết hướng tới sự tin cậy chính trị mạnh mẽ hơn, đồng thời có thể xúc tiến các bước chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc được đồn đoán sẽ diễn ra vào tháng 10-2023 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Việc định kỳ thông thường”
Bất kể những “xăm soi” của truyền thông quốc tế, thông cáo ngày 18-9 của Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, chuyến thăm Nga của ông Vương Nghị chỉ là “việc định kỳ thông thường” nhằm thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ song phương và tiến hành các trao đổi ở chiều sâu về các vấn đề quan trọng liên quan tới những lợi ích an ninh chiến lược của hai nước.
Thông cáo cũng cho biết, ông Vương Nghị sẽ gặp ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, người được ví như “cánh tay phải” của Tổng thống Putin trong các cuộc đàm phán an ninh thường niên. Cùng với đó, nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để bàn bạc về một loạt vấn đề khác nhau, trong đó có “các liên hệ ở cấp cao hơn và cấp cao nhất” như trong thông cáo về sự kiện do Bộ ngoại giao Nga công bố tuần trước. Cơ quan này cũng cho biết, ông Vương Nghị và ông Lavrov dự kiến tập trung vào các nỗ lực nhằm củng cố sự hợp tác trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Reuters cho rằng, bên cạnh nhiều nội dung công việc quan trọng, ông Vương Nghị còn có một nhiệm vụ đáng kể nữa là chuẩn bị các khâu liên quan cho chuyến thăm Bắc Kinh trong tháng 10-2023 của ông Putin. Trước đó, tháng 3-2023, trong chuyến thăm Moscow, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng thống Putin tới Bắc Kinh dự Diễn đàn Vành đai và Con đường. Lúc đó, Moscow cũng xác nhận ông Putin đã nhận lời mời. Trước đây, nhà lãnh đạo Nga dự diễn đàn này vào các năm 2017 và 2019.
Những chuyến công tác nước ngoài của ông Putin thời gian qua rất được truyền thông phương Tây quan tâm. Sự chú ý này không có nguyên nhân nào khác hơn ngoài việc Tòa Hình sự quốc tế (ICC) gần đây phát lệnh truy nã ông với những cáo buộc mà cho tới nay Nga hoàn toàn bác bỏ.
Mối quan hệ “không giới hạn”
Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đồng minh chiến lược. Cả hai bên vẫn thường nhắc tới mối quan hệ đối tác “không có giới hạn” cũng như sức mạnh hợp tác giữa hai bên về kinh tế và quân sự. Thực tế cho thấy Bắc Kinh và Moscow đã thắt chặt quan hệ hơn nữa kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. “Sẽ có sự trao đổi quan điểm cụ thể về các vấn đề liên quan tới thỏa thuận ở Ukraine, cũng như những cách thức để bảo đảm an ninh và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, AFP dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga tại họp báo.
Trung Quốc xác lập vị trí của họ là một bên trung gian đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù chia sẻ với Nga sự ủng hộ về mặt ngoại giao và những hỗ trợ về giao thương kinh tế trong bối cảnh phương Tây áp đặt vô số lệnh trừng phạt lên Nga nhưng tới nay Trung Quốc vẫn chưa có động thái can dự về mặt quân sự trong hỗ trợ Nga cũng chưa gửi tới Nga các loại vũ khí sát thương.
Tại phiên họp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại thành phố Vladivostok (Nga) tuần trước, Tổng thống Putin nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh rằng mối quan hệ Nga - Trung “đã đạt tới cấp độ mang tính lịch sử và hoàn toàn chưa từng có tiền lệ”.
Trung-Mỹ nhất trí thúc đẩy ổn định và cải thiện quan hệ Theo Tân Hoa Xã, cuối tuần qua, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiến hành nhiều cuộc gặp tại Malta, trong đó hai bên nhất trí duy trì trao đổi cấp cao và tham vấn các vấn đề liên quan khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề hàng hải cũng như chính sách đối ngoại. Hai bên đã trao đổi “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” về việc ổn định và cải thiện quan hệ song phương. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ, hai bên “cam kết duy trì kênh liên lạc chiến lược này,” cũng như theo đuổi việc tổ chức thêm các cuộc tham vấn cấp cao trong các lĩnh vực quan trọng giữa hai bên trong những tháng tới. |
TRẦN ĐẮC LUÂN