Quốc tế

Thách thức chờ đón tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ

07:43, 27/10/2023 (GMT+7)

Ngày 25-10 (giờ Mỹ), nghị sĩ Mike Johnson (bang Louisiana, Mỹ) đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện, qua đó kết thúc hơn 3 tuần bế tắc của cơ quan này vì không có người đứng đầu, mở ra triển vọng để Quốc hội Mỹ giải quyết những vấn đề cấp thiết.

Ông Mike Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu ngày 25-10. Ảnh: Reuters
Ông Mike Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu ngày 25-10. Ảnh: Reuters

Ông Johnson (51 tuổi), Phó Chủ tịch Hội nghị Cộng hòa tại Hạ viện, là người thứ tư được phe Cộng hòa đề cử chức Chủ tịch Hạ viện sau khi ông Kevin McCarthy bị phe cực hữu bãi nhiệm vào ngày 3-10.

Gương mặt mới trên chính trường

Có điều thú vị là các nhà ngoại giao quốc tế hợp tác chặt chẽ với Mỹ phải bối rối... tra Google hoặc Wikipedia để hiểu thêm về tân Chủ tịch Hạ viện bởi chỉ cách đây đúng một tuần, ông chưa phải là ứng viên nổi bật. Theo AFP, ông Johnson gây chú ý bởi ông là Chủ tịch Hạ viện có thâm niên nghị sĩ ngắn nhất tại thời điểm đắc cử trong 150 năm qua khi ông chưa từng đứng đầu một ủy ban Hạ viện lớn hay đóng vai trò quan trọng trong tầng lớp lãnh đạo cơ quan này. Nghị sĩ bang Louisiana này lần đầu được bầu vào Hạ viện Mỹ vào năm 2016, khi 44 tuổi. Trong suốt thời gian tại Hạ viện, tất cả kinh nghiệm lãnh đạo của ông chỉ gói gọn trong vị trí Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa, nhóm tập hợp cánh hữu của đảng Cộng hòa trong Hạ viện giai đoạn 2019-2021 và Phó Chủ tịch phe Cộng hòa tại cơ quan này, giai đoạn 2021-2023. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều chính trị gia ở Mỹ ái ngại về năng lực lãnh đạo.

Có vẻ như kinh nghiệm không còn là “thuộc tính hấp dẫn” của một ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện khi ông Johnson với kinh nghiệm chính trường chưa nhiều đã là người chiến thắng. Tuy nhiên, tầm quan trọng của cương vị Chủ tịch Hạ viện và khối lượng công việc khổng lồ tại cơ quan lập pháp này dường như thách thức rất lớn ngay cả đối với một người có thâm niên về lập pháp huống hồ ông Johnson chỉ có vỏn vẹn 7 năm công tác ở Hạ viện. Dĩ nhiên, ông Johnson sẽ phát triển cách điều hành Hạ viện của riêng mình, nhưng trong ngắn hạn, ông sẽ đối diện với “khoảng trống lãnh đạo” vì ông mới nhậm chức.

Đáng chú ý, dù không nhiều danh tiếng, ông Johnson vẫn là một trong những đồng minh quan trọng của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Johnson được biết đến như “chiến binh giải quyết các vấn đề xã hội” với quan điểm bảo thủ cứng rắn song có cách thể hiện tương đối mềm mỏng. Trong những năm gần đây, ông đề xuất hoặc ủng hộ nhiều dự luật liên quan đến việc giới hạn hoặc cấm quyền phá thai của phụ nữ, phản đối việc công nhận hôn nhân đồng tính toàn liên bang.

Lâu nay ông Johnson tương đối im lặng về các vấn đề chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ông vẫn là thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện và có lập trường mạnh mẽ về Ukraine khi bỏ phiếu chống lại việc gửi viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Kiev vào năm ngoái. Ông cũng là một người có “tư tưởng diều hâu” trong quan hệ đối với Trung Quốc, khi đã đưa ra ít nhất hai dự luật nhắm vào Trung Quốc.

Bắt tay ngay vào công việc

Theo Politico, trong bài phát biểu sau khi đắc cử, ông Johnson cam kết khôi phục niềm tin của người dân, điều mà ông thừa nhận đã bị tổn hại do sự hỗn loạn tại Hạ viện trong những tuần gần đây. Ưu tiên hàng đầu của ông sẽ gồm đạt thỏa thuận về gói chi tiêu giúp tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ trước hạn chót ngày 17-11; lập ủy ban lưỡng đảng để xem xét cách giải quyết khoản nợ quốc gia kỷ lục 33.000 tỷ USD; xem xét gói chi tiêu an ninh quốc gia trị giá 106 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất, trong đó có hơn 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, 14,3 tỷ USD cho Israel, và hàng tỷ USD tăng cường an ninh biên giới của Mỹ. Trong khi các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ rộng rãi việc tài trợ cho Israel và biên giới Mỹ, họ lại bị chia rẽ về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine.

Ông Johnson sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự đã khiến người tiền nhiệm McCarthy bị phế truất khi phải dung hòa mối quan hệ với các thành viên đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cùng với các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện. Hiện, dù kiểm soát Hạ viện, đảng Cộng hòa chỉ chiếm thế đa số rất mong manh. Bên cạnh đó, ông phải đối mặt với những câu hỏi về “lịch sử” ủng hộ nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Theo Reuters, sau khi tân Chủ tịch lộ diện, ngày 25-10, Hạ viện thông qua nghị quyết đầu tiên ủng hộ Israel trong xung đột Israel - Hamas. Nghị quyết tuyên bố Hạ viện Mỹ “sát cánh cùng Israel khi nước này tự vệ trước cuộc chiến do Hamas phát động” và “tái khẳng định quyền tự vệ của Israel”; kêu gọi Hamas “dừng các cuộc tấn công bạo lực và thả tất cả con tin còn sống...”.

Xả súng nghiêm trọng ở Mỹ
Theo CNN, ít nhất 16 người thiệt mạng và 50-60 người bị thương trong vụ xả súng hàng loạt tối 25-10 ở thành phố Lewiston, bang Maine (Mỹ). Giới chức trách cảnh báo cư dân địa phương ở trong nhà, doanh nghiệp tạm thời đóng cửa trong lúc cảnh sát đang truy tìm nghi phạm Robert Card. Card là nhân viên dạy bắn súng được đào tạo tại cơ sở huấn luyện quân dự bị. Đối tượng từng phải điều trị sức khỏe tâm thần do gặp ảo giác về âm thanh, và đe dọa xả súng tại căn cứ huấn luyện tại bang Maine. Vụ việc gây chấn động bởi có nhiều nạn nhân và Lewiston từng được xem là một trong những thành phố an toàn nhất đất nước.

THƯ LÊ

.